Multimedia Đọc Báo in

Thu ngân sách - Nhìn từ các đề án chống thất thu

08:57, 02/10/2015
Thời gian qua, ngành Thuế tỉnh triển khai hàng loạt đề án chống thất thu (CTT) ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều thách thức trong quá trình thực hiện các đề án này.

Hiệu quả từ một số đề án

Theo kế hoạch năm 2015, Cục Thuế tỉnh sẽ triển khai 12 đề án CTT. Các lĩnh vực có khả năng thất thu lớn như kinh doanh cà phê, nông sản; thuế khoán hộ kinh doanh; kinh doanh vận tải, nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ karaoke, massage, vũ trường; khai thác khoáng sản; kinh doanh xăng dầu; thuốc tây và thiết bị vật tư y tế; liên kết đào tạo, dạy nghề... đều là đối tượng được ngành Thuế đưa vào các đề án CTT. Bên cạnh các đề án đó, trung bình mỗi chi cục thuế (trừ TP. Buôn Ma Thuột) phải xây dựng được ít nhất hai chuyên đề CTT căn cứ trên thực tiễn tại địa phương, trong đó có 1 chuyên đề đối với người nộp thuế tự khai, tự nộp. Theo đại diện Cục Thuế tỉnh, ngoài hiệu quả về mặt kinh tế, việc thực hiện đề án còn giúp người nộp thuế nâng cao nhận thức về chấp hành pháp luật về thuế, đồng thời đề cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành trong việc tổ chức, chỉ đạo, phối hợp triển khai có hiệu quả chính sách pháp luật của Nhà nước. Đơn cử như tại Chi Cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột các đề án CTT đã mang lại kết quả rất tốt như CTT đối với ngành kinh doanh thương mại về việc bán hàng không xuất hóa đơn (triển khai từ tháng 3-2015, tăng thu được trên 1 tỷ đồng); CTT đối với các DN kinh doanh ăn uống, nhà hàng, tiệc cưới, hội nghị, khách sạn, nhà nghỉ (triển khai từ tháng 4-2015, tăng thu được 311 triệu đồng); CTT đối với hộ kinh doanh thuế khoán (triển khai từ tháng 4-2015, đưa 153 hộ vào lập bộ kinh doanh mới phát sinh, tăng thu 647 triệu đồng/tháng).

Cán bộ thuế kiểm tra một cơ sở kinh doanh  trên địa bàn huyện Krông Pắc.
Cán bộ thuế kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Cần sớm có đánh giá hiệu quả các đề án

Bên cạnh một số kết quả trên, hầu hết những đề án còn lại chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Đến nay Cục Thuế tỉnh mới chỉ triển khai và có những đánh giá ban đầu đối với các đề án như: Đổi mới công tác tổ chức thu để nâng cao hiệu quả CTT thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) cà phê mua theo bảng kê; CTT đối với hộ kinh doanh; CTT đối với hoạt động xây lắp và tư vấn xây dựng; nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải; CTT đối với DN kinh doanh thuốc tây và thiết bị vật tư y tế. Trong khi đó, nhiều lĩnh vực “nhạy cảm”, có khả năng thất thu lớn như DN kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, vũ trường; DN kinh doanh cát và đất sản xuất gạch; lĩnh vực liên kết đào tạo, dạy nghề… vẫn chưa xây dựng được đề án. Còn chi cục thuế, hầu hết  kết quả mang lại của các đề án đạt rất thấp so với kỳ vọng. Ngoại trừ các Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Búk, Cư M’gar, Krông Ana, Cư Kuin đã đánh giá được kết quả triển khai các phương án CTT; các đơn vị còn lại vẫn chưa đánh giá được kết quả mang lại hoặc kết quả rất thấp. Theo đại diện Cục Thuế tỉnh, để xây dựng một đề án CTT và đề án đó phát huy hiệu quả cần rất nhiều thời gian và công sức, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, ngành Thuế hiện đang triển khai quá nhiều đề án CTT cùng một lúc mà không đánh giá được hiệu quả mang lại của nó hoặc không sát với thực tế dẫn đến nhiều đề án thất bại, phải điều chỉnh nhiều lần.

Có thể nói, trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng các đề án CTT là hết sức cần thiết nhằm nhận diện được nguyên nhân gây thất thu thuế. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, triển khai các đề án trong thời gian qua, một cán bộ Cục Thuế tỉnh cho rằng, khi xây dựng các đề án phải xem xét đến năng lực quản lý hành chính, khả năng thu thuế và tình trạng của DN để bảo đảm hiệu quả của đề án. Đặc biệt phải tránh tình trạng nhiều xây dựng và triển khai phương án CTT theo kiểu đối phó dẫn đến hiệu quả không cao, lãng phí nguồn lực…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.