Multimedia Đọc Báo in

Bất cập trong công tác quản lý chất lượng thực phẩm - nông lâm thủy sản (Kỳ I)

08:57, 04/11/2015

Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (NLTS) chưa được quan tâm đúng mức khiến nông dân, doanh nghiệp chế biến làm ăn chân chính lâm vào tình cảnh khó khăn, còn bản thân người tiêu dùng lại loay hoay tìm thực phẩm an toàn.

Kỳ I: Từ chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm

Những năm qua, kinh tế - xã hội Đắk Lắk có bước phát triển mạnh, người dân càng có nhiều điều kiện để chăm sóc cho sức khỏe, trong đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) rất được chú trọng. Tuy nhiên, đây đang là vấn đề nan giải không chỉ đối với người tiêu dùng mà cả phía người sản xuất.

Vi phạm tràn lan

Mỗi loại thực phẩm trước khi đến với bàn ăn của mỗi gia đình đều phải qua các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông…, bởi vậy, để có sản phẩm bảo đảm VSATTP thì tất cả các khâu trong quy trình đó phải đạt chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, vì lợi nhuận trước mắt mà nhiều đơn vị (có thể chỉ ở một trong những công đoạn sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối…) mà lơ là hoặc vi phạm các quy định, lạm dụng hóa chất gây hại trực tiếp, lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng. Xin đơn cử, cách đây chưa lâu, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều trường hợp người sản xuất sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm. Cụ thể, tháng 9-2014, Phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh bắt quả tang về hành vi bơm nước bẩn vào bụng bò trước khi giết mổ nhằm để tăng trọng lượng giả tạo để kiếm lời tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột. Đến tháng 6-2015, Công an TP. Buôn Ma Thuột lại phát hiện cơ sở này tái phạm hành vi trên. Hay trường hợp hám lợi chế biến cà phê bẩn bằng bột bắp, đậu nành, hóa chất tại một số cơ sở chế biến cà phê bột tại xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột (tháng 8-2014). Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn xuất hiện một loại hóa chất dạng lỏng gọi là “tinh chất cà phê” được bày bán tại một số cửa hàng tạp phẩm dùng pha vào cà phê pha loãng để tạo mùi vị như cà phê nguyên chất…

Người dân chọn mua thực phẩm tại Chợ Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột.
Người dân chọn mua thực phẩm tại Chợ Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột.

Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất thì cho rằng, dù nhận thấy những hệ lụy không hay của việc không tuân thủ quy trình sản xuất sạch, nhưng do quy mô nhỏ, thiếu vốn nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất rất khó khăn, do đó, họ buộc phải sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo... thói quen. Một nông dân trồng rau tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột thừa nhận, nếu đầu tư nhà lưới và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì rau ít sâu bệnh, chất lượng tốt và bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng do thiếu vốn nên đành nhắm mắt làm ngơ. Trong khi đó, điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, nên đa phần nông dân phải chấp nhận sử dụng các loại thuốc BVTV để có sản phẩm, tránh thua lỗ.

Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thừa nhận, vi phạm về điều kiện VSATTP là thực trạng chung của các sản phẩm NLTS hiện nay. Một phần nguyên nhân là do bất cập trong công tác quản lý của cơ quan chức năng, phần khác cũng do thói quen, ý thức của người sản xuất trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Ăn gì cũng... sợ!

Bình quân, Đắk Lắk tiêu thụ hàng nghìn tấn thực phẩm mỗi ngày, trong đó, ngoài những sản phẩm sản xuất tại địa phương còn có một lượng lớn thực phẩm được nhập từ các nơi khác về. Trong khi đó, vấn đề nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và khâu kiểm định chất lượng thực phẩm hầu như còn bỏ ngỏ. Do vậy, việc lựa chọn thực phẩm an toàn cho bữa ăn mỗi ngày là vấn đề nan giải của các bà nội trợ, người tiêu dùng ăn gì cũng sợ. Chị Nguyễn Thị Hiền, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, ăn rau sợ phun thuốc, thịt heo sợ chất tạo nạc, thịt gà sợ bơm nước, tồn dư kháng sinh… nên chị rất thận trọng khi lựa chọn thực phẩm. Sự e dè của người tiêu dùng cũng là điều dễ hiểu, bởi các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp người sản xuất sử dụng các chất ngoài danh mục cho phép… Chị Hoàng Thị Hiền, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, (TP. Buôn Ma Thuột) kể: Cách đây 1 tháng, chị có mua 1 kg tôm thịt tại Chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột để chuẩn bị bữa trưa, nhưng khi bóc vỏ để chế biến thì mùi xú uế của tôm chết quá lâu bốc lên nồng nặc khiến chị phải vứt bỏ. Từ đó, khi có nhu cầu ăn hải sản chị phải nhờ người quen gửi từ Nha Trang lên với số lượng lớn, bảo quản tủ lạnh để ăn dần.

Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin.
Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin.

Trên thực tế, vẫn có nhiều sản phẩm đạt các tiêu chuẩn VSATTP, nhưng việc tiêu thụ trên thị trường lại rất khó khăn. Bà Đinh Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) cho biết, rau của HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có tem nhãn đầy đủ nhưng việc xuất bán ra thị trường hiện nay rất khó khăn. Bởi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí cao hơn so với rau thông thường nên rất khó bán tại các chợ vì bản thân người tiêu dùng thích rau bắt mắt, giá rẻ… Để hỗ trợ đầu ra cho thực phẩm an toàn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã đầu tư xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ rau cho HTX với Công ty Cổ phần thực phẩm Núi Xanh bằng các cửa hàng tại TP. Buôn Ma Thuột nhưng thị trường tiêu thụ chậm khiến doanh nghiệp cũng như HTX gặp nhiều khó khăn…

(Còn nữa)

 Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc