Multimedia Đọc Báo in

Bất cập trong công tác quản lý chất lượng thực phẩm - nông lâm thủy sản (kỳ II)

08:30, 06/11/2015

Kỳ II: Chồng chéo cơ quan quản lý*

VSATTP giữ vai trò quyết định đến sức khỏe con người, góp phần cải thiện giống nòi, tuy nhiên đến nay công tác quản lý ATTP vẫn là “bài toán” khó giải khi tồn tại không ít sự chồng chéo, bất cập từ cơ chế, chính sách, nhân lực…

Khó kiểm tra

Theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP thì lĩnh vực VSATTP có 3 ngành cùng tham gia quản lý gồm: Y tế, Nông nghiệp và Công thương. Theo đó, ngành Y tế có nhiệm vụ  tổ chức quản lý công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, các sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; ngành Công thương có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường đối với tất cả các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm…; ngành Nông nghiệp kiểm tra theo phân cấp ngành xuyên suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm NLTS. Sự rạch ròi tưởng như giúp các ngành dễ dàng quản lý nhưng thực tế cho thấy, lĩnh vực VSATTP các sản phẩm NLTS quá rộng và có sự đan xen chồng lấn nhau. Mặt khác, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh chưa cao, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật nên nhiều cơ sở đã và đang lợi dụng sự chồng chéo trong cơ chế quản lý, thanh tra để lách luật, cố tình kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP với thủ đoạn ngày càng tinh vi khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Điển hình của sự vi phạm này là các cơ sở kê khai địa chỉ ma trên bao bì, nhãn mác sản phẩm hoặc thay đổi địa chỉ sản xuất liên tục để cản trở quá trình thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng. Các quán cà phê là lĩnh vực ngành hàng giải khát thuộc sự quản lý của Sở Y tế nhưng các cơ sở này lại tự chế biến cà phê (lĩnh vực thuộc Sở NN-PTNT quản lý) phục vụ tại quán và bán cho khách hàng khi có nhu cầu. Để thanh tra các cơ sở này, Sở NN-PTNT lại phải lập đoàn kiểm tra liên ngành với Sở Y tế, trong khi đó các ngành đều đối mặt với thực trạng chung là thiếu kinh phí, nhân lực có chuyên môn.

Chế biến cà phê bột tại một quán cà phê ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk.
Chế biến cà phê bột tại một quán cà phê ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk.

Cũng chính sự chồng chéo đó khiến một sản phẩm có nhiều cơ quan quản lý, giám sát nhưng không ai chịu trách nhiệm hoàn toàn không chỉ khiến công tác quản lý chưa hiệu quả như mong muốn mà còn làm ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính. Bà Hà Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần du lịch KoTam chia sẻ, quá trình sản xuất, kinh doanh không vi phạm Luật VSATTP và các đoàn thanh tra vẫn phải kiểm tra bởi đó là trách nhiệm của họ nhưng có quá nhiều đoàn kiểm tra các cấp đã và đang làm mất thời gian, cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp.

Khó xử lý vi phạm

Trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo liên quan đến sản phẩm nông nghiệp thì VSATTP sản phẩm NLTS luôn là vấn đề nóng hổi được đưa ra bàn luận nhưng các đại biểu cũng thừa nhận khó có thể tìm hướng giải quyết. Bởi lĩnh vực này đang tồn tại chung một thực trạng: thiếu nhân lực, thiếu kinh phí, thiếu quy chế quản lý, thanh tra, xử phạt… Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết, nông nghiệp là ngành sản xuất chính của huyện, số lượng cơ sở VTNN, chế biến, kinh doanh sản phẩm NLTS nhiều, chỉ riêng việc thống kê các cơ sở này đang tồn tại không ít khó khăn. Bởi các văn bản pháp quy hiện tại không nêu rõ các tiêu chí cụ thể để thống kê: quy mô, lĩnh vực, mức độ ảnh hưởng của các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm NLTS… nên quá trình thanh tra nếu phát hiện sai phạm cũng khó xử lý. Tương tự, bà Trần Thị Thủy, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn cho biết, cái khó khăn lớn nhất của huyện hiện tại là thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn nên dù muốn, phòng cũng không thể thực hiện thanh, kiểm tra được hoặc thực hiện nhưng rất hời hợt. Hằng năm, huyện chủ yếu trông chờ vào các đoàn thanh tra liên ngành mà thôi, do đó hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực này chưa như mong muốn của người dân.

Thanh, kiểm tra vốn đã khó thì công tác kiểm định các mẫu vật trong quá trình thanh tra lại càng khó hơn bởi các mẫu phải được kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm do Bộ NN-PTNT chỉ định. Thời gian có kết quả kiểm nghiệm giao động từ 7-15 ngày, riêng mẫu vật tư nông nghiệp trên 30 ngày. Do đó, khi có được kết quả, các sản phẩm đã được chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tung ra thị trường, và gần như người tiêu dùng đã tiêu thụ hết, không còn để thu hồi, tiêu hủy hay truy xuất nguồn gốc của sản phẩm khi xảy ra trường hợp vi phạm Luật VSATTP. Cùng với đó, mức xử phạt các sản phẩm đó lại quá nhẹ không đủ sức răn đe khiến các đơn vị tái phạm chỉ sau thời gian rất ngắn.

Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, chuyện bảo đảm VSATTP sản phẩm NLTS là lĩnh vực lớn, có sự giao thoa giữa nhiều ngành nên rất khó kiểm soát. Sở đã nhiều lần có ý kiến với Bộ NN-PTNT và Bộ cũng nhận thấy điều đó nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết nào khả thi nên vẫn phải lặp mãi điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.

(Còn nữa)

Thanh Hường

[links()]


Ý kiến bạn đọc