Multimedia Đọc Báo in

Các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thúc đẩy cải thiện đời sống người dân vùng sâu

08:33, 24/11/2015

Thời gian qua, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước được triển khai đã góp phần quan trọng làm thay đổi đời sống của vùng nông thôn nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk…

Đắk Lắk là tỉnh nghèo, địa bàn rộng, dân cư đông, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 33% dân số toàn tỉnh, sống rải rác ở các thôn buôn vùng sâu vùng xa nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, Đắk Lắk có 44 xã khu vực III và 128 thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Một trong những chương trình lớn mà Đắk Lắk được thụ hưởng chính là Chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn (Chương trình 135). Từ năm 2011 đến 2015, tổng kinh phí cho chương trình này trên địa bàn tỉnh là 344.552 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư là 276,4 tỷ đồng xây dựng 640 công trình thiết yếu (480 công trình đường giao thông, 23 công trình kênh mương thủy lợi; 44 công trình trường học, 84 nhà sinh hoạt cộng đồng…); gần 15 tỷ đồng để duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng; và vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo là 50,55 tỷ đồng. Có thể nói, đây là một chương trình lớn của Chính phủ, có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn xây dựng, sửa chữa nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, tạo nên bộ mặt mới cho những vùng sâu, vùng xa trên địa bàn… Chương trình đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được người dân đồng tình ủng hộ và tích cực hưởng ứng. Hiện nay, trên địa bàn các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn của tỉnh đã không còn tình trạng đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Phân hiệu Trường Tiểu học Kim Đồng ở xã vùng sâu Cư Kbang,  huyện Ea Súp được đầu tư xây dựng khang trang.
Phân hiệu Trường Tiểu học Kim Đồng ở xã vùng sâu Cư Kbang, huyện Ea Súp được đầu tư xây dựng khang trang.

Thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, căn cứ Quyết định số 1342/QĐ-TTg, ngày 25-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện 3 dự án định canh, định cư tập trung và 3 dự án định canh, định cư xen ghép cho gần 500 hộ dân. Trong 5 năm qua, tổng kinh phí Trung ương đầu tư cho chương trình này trên địa bàn tỉnh là 42,83 tỷ đồng. Việc triển khai đầu tư các dự án định canh, định cư đã góp phần ổn định tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; giải quyết được một phần tình hình thiếu đất ở, đất sản xuất của nhân dân địa phương trong vùng được hưởng lợi; góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa phương.

Ngoài các nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo vùng thì các nhóm chính sách đầu tư phát triển theo lĩnh vực, theo ngành cũng đã được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, trên địa bàn tỉnh đã có 2.153 hộ được vay vốn với tổng dư nợ 14 tỷ đồng. Theo đánh giá của các địa phương, nhìn chung từ nguồn vốn được vay đã giúp các hộ dân nâng cao ý thức tập trung lao động, đầu tư vốn vào sản xuất, nhiều hộ vay đã thoát được đói, giảm được nghèo. Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong 5 năm qua, Đắk Lắk đã tổ chức đào tạo nghề cho 15.655 lao động, trong đó người dân tộc thiểu số là 11.542 người, chiếm 73,72%. Tổng kinh phí thực hiện cho nhiệm vụ này là trên 33,82 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã giải quyết việc làm cho trên 130 ngàn người, trong đó dân tộc thiểu số khoảng gần 42 ngàn người. Kết quả giải quyết việc làm cho người lao động đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị từ 2,97% năm 2011 xuống còn 2,94% năm 2015; khu vực nông thôn giảm từ 7% năm 2011 xuống còn 5,5% năm 2015.

Bên cạnh đó, các chính sách khác như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (Quyết định 1592 và Quyết định 755); hỗ trợ trực tiếp người dân (Quyết định 102); chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (Quyết định 18); chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; chính sách về y tế, dân số và chăm sóc sức khỏe;… của Thủ tướng Chính phủ đã được chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, nghiêm túc và đạt được hiệu quả tích cực.

Đánh giá hiệu quả các chính sách dân tộc triển khai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, đồng chí Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong 5 năm qua, với nhiều chủ trương, chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã làm cho đời sống đồng bào được cải thiện đáng kể. Công tác tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của các sở, ban, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực và có hiệu quả. Nhiều địa phương đã năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện, tạo nên sự thay đổi rõ rệt về cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa xã hội, giáo dục vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, nền kinh tế nhiều thành phần bắt đầu được hình thành và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng và đời sống nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên đáng kể. Chính những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội của địa phương. 

Việt Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.