Multimedia Đọc Báo in

Cấp bách tổ chức lại ngành cà phê (Kỳ I)

09:25, 18/11/2015

Cây cà phê đã có mặt tại Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng hơn 100 năm nay và hiện trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, ngành cà phê đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là dưới dạng nguyên liệu, giá trị gia tăng chưa tương xứng với tiềm năng và dự báo còn đối mặt với nhiều nguy cơ khác trong tương lai.

Kỳ I: Diện tích cà phê tăng nhanh thiếu bền vững

Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, năm 1930 cả nước có khoảng 6.000 ha cà phê, sản lượng ước đạt 3.500 tấn, năm 1975 tăng lên 15.000 ha, sản lượng ước đạt 7.000 tấn, chủ yếu tập trung tại vùng Phủ Quỳ (Nghệ An). Năm 1995, cà phê tại Brazil gặp sương muối, mất mùa liên tiếp khiến nguồn cung cà phê trên thế giới giảm sút nên giá cà phê tăng mạnh. Tại Việt Nam, giá cà phê những năm 1995-2000 luôn đạt mốc trên 40 triệu đồng/tấn, trong khi đó, giá trị của các loại cây trồng khác rất thấp khiến người dân nhiều vùng trong nước ồ ạt trồng cà phê, đẩy diện tích tăng lên chóng mặt. Ước tính, năm 2000 cả nước có khoảng 516.700 ha, chiếm 4,14% diện tích cây trồng Việt Nam, đứng thứ 3 sau lúa và ngô. Đến nay, cả nước có khoảng 670.000 ha, tăng 170.000 ha so với quy hoạch phát triển cà phê và vượt 70.000 ha so với mục tiêu đặt ra đến năm 2020. Riêng tại Đắk Lắk, vùng thủ phủ cà phê của cả nước có khoảng 260.000 ha, trong đó 88,4% diện tích trồng trên đất đỏ bazan và 11,6% còn lại trồng trên các loại đất khác. Để có đất trồng cà phê, người dân Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã phá rừng lấy đất khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút mạnh.

Niềm vui  của một nông dân phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột khi  thu hoạch xong  cà phê.
Niềm vui của một nông dân phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột khi thu hoạch xong cà phê.

Trong khi đó, việc phát triển thủy lợi phục vụ tưới cà phê chưa đồng bộ nên người dân đua nhau khoan giếng khiến mực nước ngầm liên tục giảm trong những năm gần đây. Không chỉ tác động xấu đến môi trường sinh thái, diện tích cà phê tăng vọt trong thời gian ngắn đang gây ra hiện tượng lão hóa đồng loạt tại các vườn cây, gây áp lực không nhỏ đến sự phát triển bền vững của ngành nông sản chủ lực này. Cụ thể, cả nước hiện có khoảng 86.000 ha cà phê kinh doanh trên 20 năm tuổi (chiếm 13% tổng diện tích), trên 150.000 ha trong độ tuổi 15-20 năm (chiếm 22 %) và con số này không ngừng tăng trong tương lai. Tại Đắk Lắk, từ năm 2013-2020 có 27.775 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp cần tái canh, bình quân mỗi năm có khoảng 4.000 ha. Cùng với đó, việc cường canh, lạm dụng phân bón hóa học mà không chú trọng bón phân hữu cơ, trả lại dinh dưỡng cho đất khiến tốc độ già hóa của các vườn cây ngày càng bị rút ngắn, năng suất cà phê theo đó giảm dần. Niên vụ 2010-2011, năng suất cà phê bình quân của cả nước ước đạt hơn 2,3 tấn/ha, đến niên vụ 2014-2015 chỉ còn hơn 2,2 tấn, và đương nhiên, niên vụ 2015-2016 dưới tác động của biến đổi khí hậu và thực trạng “lão hóa” các vườn cây, năng suất cà phê tiếp tục giảm. Theo đánh giá của bà con nông dân, niên vụ này sản lượng cà phê tiếp tục giảm 15-20% so với niên vụ kế trước.

Các thành viên Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Krông Pắc.
Các thành viên Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Krông Pắc.

Không thể phủ nhận thời gian qua, ngành cà phê Việt Nam đã không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tăng năng suất, sản lượng. Cà phê xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 đạt hơn 1,7 triệu tấn, kim ngạch hơn 3,7 tỷ USD, tăng 40,3% về lượng và 36% về giá trị so với năm 2011, vượt qua Brazil vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về khối lượng cà phê xuất khẩu. Và đến nay, Việt Nam vẫn là nước đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê Robusta. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì ngành cà phê hiện đang tồn tại nhiều khó khăn thách thức như phát triển ngoài quy hoạch, diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng trong khi công tác tái canh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc; thiếu sự điều phối giữa các tác nhân trong ngành hàng; chuỗi giá trị gia tăng còn thấp; công nghệ chế biến phân tán, tùy tiện; công tác quản lý chất lượng còn hạn chế, chưa hình thành các tổ chức liên kết trong sản xuất cà phê, nhất là trong lĩnh vực nông hộ. Không những thế, hơn 80% sản lượng cà phê làm ra được chế biến tại các hộ gia đình bằng những máy móc không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật nên chất lượng còn thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn; sử dụng phân bón vô cơ ở mức cao, bón không cân đối; đồng thời, công tác quản lý chất lượng, thanh tra và xử phạt các cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cà phê kém chất lượng cũng còn nhiều bất cập...

(Còn nữa)

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.