Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng, chống hạn vụ đông xuân 2015-2016

09:07, 13/11/2015

Do ảnh hưởng của hiện tượng El nino nên vụ đông xuân 2015-2016 được  dự báo sẽ đối mặt với khô hạn nặng nề. Tại Đắk Lắk, diễn biến thời tiết phức tạp mưa ít nắng nhiều, lượng mưa tại các địa phương rất thấp, chỉ đạt khoảng 83% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm và mùa mưa có khả năng kết thúc sớm nên nguồn nước ở nhiều hồ chứa, sông suối hiện vẫn còn rất thấp.

Mực nước hồ, đập đạt thấp

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi (QLCTTL), hiện nay công ty đang quản lý trên 554 công trình thủy lợi, bao gồm: 432 hồ chứa, 107 đập dâng, 15 trạm bơm. Trong số hồ chứa trên, chỉ có 264 hồ đạt mực nước dâng bình thường (MNDBT), 143 hồ đạt 50 - 80% và 18 hồ đạt 20 - 50% cột nước thiết kế, 7 hồ đang ở mực nước chết. Dự kiến trong vụ đông xuân 2015 - 2016 sẽ có 25 hồ thiếu nước ngay từ đầu vụ, 143 hồ thiếu nước về cuối vụ. Cụ thể, tại huyện Krông Ana có 30 công trình, trong đó 27 hồ chứa, 2 đập dâng và 1 trạm bơm nhưng hiện tại chỉ có 16 hồ đạt MNDBT, 8 hồ đạt 50 - 80%, 4 hồ đạt 20 - 50%. Riêng hồ Ea Bông 1 và 2 có tổng dung tích 7,6 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho gần 300 ha lúa 2 vụ, nhưng đến nay mới đạt  trên, dưới 70% dung tích thiết kế. Theo anh Nguyễn Hoàng Thông, kỹ sư quản lý công trình đầu mối hồ Ea Bông, chưa có năm nào mực nước trong hồ lại thấp như năm nay, nếu trong tháng 11-2015 mưa ít hoặc không có mưa thì khả năng hồ sẽ không bảo đảm nước tưới phục vụ cho diện tích nêu trên. Tại huyện Lắk, có 37 công trình (gồm 17 hồ chứa, 15 đập dâng và 5 trạm bơm), hiện mới có 5 hồ đạt MNDBT, 7 hồ đạt 50 - 80%, 4 hồ đạt 20 - 50%,1 hồ ở mực nước chết. Theo đại diện Chi nhánh QLCTTL huyện Lắk, gần hết mùa mưa nhưng mực nước ở hồ thủy lợi Buôn Triết chỉ mới tích được 10/25 triệu m3 nước, trong khi hồ đảm nhiệm tưới cho khoảng 1.300 ha lúa nước. Với mực nước này thì vụ đông xuân 2015-2016, khả năng hồ chỉ phục vụ nước cho khoảng 500 – 600 ha, diện tích còn lại phải bơm từ sông lên để tưới. Tương tự, TP. Buôn Ma Thuột có 22 hồ chứa nhưng cũng chỉ 13 hồ đạt MNDBT, 7 hồ đạt 50 - 80%, 1 hồ đạt 20%, 1 hồ đạt 40%. Riêng hồ Ea Kao  còn thiếu gần 2 triệu m3 nước và sẽ không bảo đảm nước tưới cho 600 ha lúa, gần 1.000 ha cà phê, khả năng phải cắt giảm diện tích tưới lúa để ưu tiên cho nước sinh hoạt, cây công nghiệp dài ngày và nuôi trồng thủy sản…

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi kiểm tra tình hình tích nước của hồ Buôn Triết (huyện Lắk).
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi kiểm tra tình hình tích nước của hồ Buôn Triết (huyện Lắk).

Theo Sở NN-PTNT, kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2015-2016 đang được các địa phương bắt đầu triển khai, tuy nhiên tình trạng ít mưa và sự thiếu hụt nguồn nước ở các hồ chứa đang là vấn đề khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp vụ này. Hiện tại, các địa phương đang chủ động tích nước để phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp, song việc này cũng đang phụ thuộc hoàn toàn vào lượng mưa trong những ngày còn lại của tháng 11 này.

Triển khai quyết liệt phương án chống hạn

Theo Sở NN-PTNT, dự kiến vụ đông xuân 2015-2016, toàn tỉnh sẽ gieo trồng gần 42.000 ha cây trồng hằng năm các loại, trong đó lúa nước 30.000 ha, ngô 3.100 ha, đậu các loại 850 ha… Với tình hình mưa ít, mực nước ở các hồ chứa thấp, Sở yêu cầu các địa phương theo dõi diễn biến thời tiết để tập trung chỉ đạo sản xuất, nhất là việc tăng cường kiểm tra tình hình nguồn nước để chủ động phòng, chống hạn. Tại huyện Ea Kar, lượng mưa cũng đạt thấp hơn trung bình nhiều năm, trong số 39 công trình thủy lợi (thuộc Công ty TNHH MTV QLCTTL quản lý) mới có 14 hồ đạt MNDBT, 11 hồ đạt 50 - 80%, 2 hồ đạt 20 % - 50%, 2 hồ ở mực nước chết, vì vậy huyện đã chỉ đạo các xã rà soát lại diện tích gieo trồng và có phương án chuyển đổi các diện tích không bảo đảm nguồn nước sang cây trồng cạn hoặc chăn nuôi, cương quyết không để nhân dân gieo trồng vượt kế hoạch. Dự kiến, diện tích gieo trồng của toàn huyện 3.500 ha lúa nước, 100 ha ngô, đậu các loại khoảng 200 ha… Theo đại diện Chi nhánh QLCTTL huyện Ea Kar, trong số diện tích chi nhánh phục vụ tưới 2.452 ha, dự kiến phải cắt giảm 50 ha lúa. Về cuối vụ, khả năng hạn khoảng 830 ha lúa, 1.184 ha cà phê. Chi nhánh cũng đã chủ động xây dựng phương án chống hạn như nạo vét kênh dẫn, bơm nước từ dung tích chết của hồ, hỗ trợ dầu cho dân bơm từ các giếng khoan đào… Tại huyện Lắk, trước tình hình nguồn nước thiếu hụt so với nhiều năm trước, trong số 4.204 ha cây trồng do Chi nhánh QLCTTL huyện đảm nhiệm phục vụ tưới thì phải cắt giảm 125 ha lúa và dự kiến hạn về cuối vụ 882 ha lúa, 333 ha cà phê. Biện pháp chống hạn chung là nạo vét kênh dẫn, sửa chữa các đập dâng trên kênh tiêu, bơm nước từ sông Krông Ana lên, đắp đập tràn tại cầu Đắk Bông xã Đắk Liêng để giữ nước Hồ Lắk cung cấp nước cho các trạm bơm, cuối vụ nếu không đủ nước sẽ bơm nước từ dung tích chết của hồ. Huyện Krông Pắc cũng đưa ra các phương án phòng hạn quyết liệt, cụ thể, toàn huyện sẽ gieo trồng trên 6.300 ha cây trồng ngắn ngày các loại, trong đó có trên 5.200 ha lúa, 507 ha ngô, các cây trồng khác khoảng 626 ha. Huyện phối hợp với Chi nhánh QLCTTL huyện kiểm tra, đôn đốc các đơn vị nạo vét, phát dọn kênh mương; lập kế hoạch điều tiết, phân phối nước hợp lý cho từng cánh đồng… Đối với các xã chủ động nguồn nước như Ea Phê, Hòa An, Hòa Tiến, Ea Hiu..., thực hiện gieo sạ ở trà lúa chính vụ, với các giống dài ngày. Riêng các xã không chủ động nguồn nước sẽ tiến hành gieo sạ ở trà lúa sớm với các giống ngắn và trung ngày để tranh thủ lượng nước mưa đầu vụ…

Cán bộ quản lý công trình đầu mối hồ Ea Bông (huyện Krông Ana) kiểm tra mực nước dâng của hồ.
Cán bộ quản lý công trình đầu mối hồ Ea Bông (huyện Krông Ana) kiểm tra mực nước dâng của hồ.

Theo ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV QLCTTL Đắk Lắk, để bảo đảm nước tưới cho vụ đông xuân 2015-2016, công ty dự kiến sẽ phải cắt giảm khoảng 1.092 ha lúa, diện tích cần chống hạn về cuối vụ là 10.649 ha, trong đó có 4.767  ha lúa, 5.746 ha cà phê và 135 ha hoa màu. Công ty đang cố gắng tích nước tại các hồ, đập và phối hợp với các địa phương để xây dựng các phương án phòng, chống hạn cụ thể cho từng vùng.

 Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.