Multimedia Đọc Báo in

Để tín dụng nông nghiệp đến với nhiều người dân

10:32, 30/11/2015

Những năm qua, các ngân hàng thương mại trong tỉnh đẩy mạnh việc triển khai chính sách cho vay vốn tín dụng nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và nông thôn phát triển. Song, để nguồn vốn này đến được với nhiều người dân hơn rất cần sự quyết tâm từ nhiều phía.

Khó tiếp cận nguồn vốn

Thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12-4-2010, nay được thay thế bằng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi chung là nông nghiệp), các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai khá rộng khắp. Chính sách tín dụng nông nghiệp đã tạo điều kiện cho người dân khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân… Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 350.216 khách hàng được vay vốn trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp với tổng số vốn ước đạt 25.764 tỷ đồng, chiếm 47% tổng dư nợ cho vay, tăng 24,5% so với đầu năm. Trong đó, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đắk Lắk (Agribank) là một trong những đơn vị có mức cho vay cao nhất với ước khoảng trên 9.000 tỷ đồng.

Trang trại gà của bà Phạm Thị Thi ở thôn 2, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.
Trang trại gà của bà Phạm Thị Thi ở thôn 2, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên trên thực tế, vốn tín dụng nông nghiệp được các ngân hàng triển khai vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu vay vốn của người dân. Theo quy định, có 2 hình thức vay vốn tín dụng nông nghiệp là vay không cần thế chấp tài sản và vay có thế chấp. Đối với hình thức vay không thế chấp thì các đối tượng khách hàng buộc phải nộp cho tổ chức tín dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), hoặc giấy xác nhận của UBND xã về việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp. Hiện nay, nhu cầu vay vốn phát triển nông nghiệp là rất lớn, nhất là các đối tượng là hộ gia đình, hộ kinh doanh, chủ trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn nông thôn… Vấn đề nảy sinh là có khá nhiều các chủ trang trại, tổ hợp tác chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tài sản bảo đảm để vay vốn), nếu muốn được UBND xã xác nhận thì cũng phải qua nhiều khâu xác minh, đo đạc, thủ tục rườm rà... Còn đối với nhiều hộ dân, mặc dù có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại liên quan đến nhiều thành viên trong gia đình, nên khi làm thủ tục vay vốn rất khó khăn.

Ông Y Khương Byă ở buôn Sút M’rư, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) cho biết, vừa qua, gia đình ông có ý định đầu tư mô hình trang trại nuôi gà và trồng cây ăn trái. Nếu theo quy định cho vay tín dụng nông nghiệp hiện hành thì gia đình ông thuộc đối tượng hưởng ưu đãi vay vốn không cần thế chấp tài sản với mức vay tối đa lên tới 1 tỷ đồng. Ông làm hồ sơ đề nghị phía ngân hàng NN-PTNT trên địa bàn cho vay 500 triệu đồng để triển khai thực hiện dự án chăn nuôi và trồng trọt nhưng phía ngân hàng yêu cầu gia đình ông phải có thêm tài sản thế chấp, bởi vì diện tích thửa đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng của gia đình ông chỉ được vay tối đa 200 triệu. Việc vay vốn trở nên nhiêu khê, mất nhiều thời gian nên gia đình ông lỡ mất cơ hội đầu tư lập trang trại phát triển kinh tế. Trường hợp ông Lê Văn Hinh, chủ trang trại nuôi heo ở xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mở cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Ông phải mất nhiều thời gian hoàn chỉnh các giấy tờ theo quy định, rồi điều chỉnh, bổ sung các thủ tục. Đặc biệt, việc thực hiện một phương án kinh doanh khả thi trên “giấy trắng mực đen” là vấn đề rất khó khăn đối với người nông dân như ông. Vì vậy ông bỏ luôn ý định vay vốn đầu tư. Theo ông Hinh, đối với các chủ trang trại, hộ kinh doanh vay vốn đã khó còn đối tượng vay là những nông dân canh tác trên diện tích đất nhỏ, trồng cây ngắn ngày như lúa, hoa màu… thì đa phần rất khó để được vay vốn nếu không có tài sản thế chấp.

“Lối mở” nào cho tín dụng nông nghiệp?

Do tiến trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân đang đặt ra nhu cầu nguồn vốn không nhỏ để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Hà Hoài Nam, Phó Giám đốc Agribank Đắk Lắk đánh giá, hiện nay, đời sống của người dân tại địa bàn các xã trong tỉnh nói chung vẫn còn khó khăn, mô hình sản xuất còn đơn lẻ, manh mún; hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn theo hình thức thủ công; việc mở rộng sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều hạn chế và phần lớn là không đề ra được phương án, dự án khả thi để ngân hàng chấp nhận đầu tư vốn. Vì vậy, mặc dù ngân hàng đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới nhưng dư nợ tăng trưởng vẫn còn ở mức thấp.

Vốn  tín dụng nông nghiệp giúp nhiều  hộ dân  phát triển kinh tế.  Trong ảnh: Mô hình nuôi bò  vỗ béo  của anh Phạm Xuân Thực  ở thôn  Chư Cúc,  xã Ea K’mút, huyện  Ea Kar).
Vốn tín dụng nông nghiệp giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế. Trong ảnh: Mô hình nuôi bò vỗ béo của anh Phạm Xuân Thực ở thôn Chư Cúc, xã Ea K’mút, huyện Ea Kar).

Trước thực tế trên, theo ông Nam, để chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả, các cấp, ngành phải có quy hoạch từng nhóm ngành, vùng sản xuất cụ thể. Quan trọng nhất là phải có sự liên kết “bốn nhà”, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đổi mới thủ tục hành chính... Như vậy, người dân mới có thể hưởng lợi cao nhất từ chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để “mở lối” cho tín dụng nông nghiệp thì việc cần thiết là phải đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp và người nông dân, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho người dân trên địa bàn; quy hoạch ổn định mang tính bền vững đối với một số cây, con chủ lực để có cơ sở đầu tư tập trung... Các cấp hội nông dân cần nghiên cứu những mô hình, dự án sản xuất kinh doanh tốt hơn để có thể giới thiệu, thu hút nhiều hội viên tham gia. Ngược lại, hơn ai hết, các hộ vay vốn cũng cần phải có sự tính toán hợp lý, mang tính khả thi cao đối với mô hình, dự án kinh tế để nguồn vốn vay tín dụng nông nghiệp phát huy hiệu quả, hạn chế được rủi ro trong đầu tư.

Trong khi đó, nhiều người dân cho rằng, các ngân hàng cần có giải pháp tăng mức vốn và kéo dài thời hạn cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp đúng như quy định hiện hành. Đi cùng với đó là giảm bớt thủ tục, tạo cơ chế thông thoáng cho nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.