Multimedia Đọc Báo in

Giải phóng mặt bằng Dự án đường Đông Tây: Chậm vì... thiếu vốn!

08:25, 11/11/2015

Dự kiến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột sẽ hoàn thành vào giữa năm 2016, song do việc bố trí vốn chậm nên khó có thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Công trình đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột được khởi công vào cuối tháng 9-2015, với tổng kinh phí trên 998 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ (khoảng 90%) và 10% nguồn ngân sách địa phương, do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Công trình có chiều dài 6,9 km, điểm đầu tại nút giao Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng, điểm cuối tại nút giao giữa Quốc lộ 27 với đường vào Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột, là công trình cấp II, đường phố chính trung tâm, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Đắk Lắk nói chung, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, có ý nghĩa thiết thực trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị, góp phần hình thành khu đô thị mới phía Đông Nam thành phố nhằm khai thác tốt tiềm năng đất đai vùng có dự án đi qua.
San ủi  mặt đường công trình Đông Tây  TP.  Buôn Ma Thuột đoạn qua phường  Tân Lập.
San ủi mặt đường công trình Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột đoạn qua phường Tân Lập.

Để có mặt bằng xây dựng đường Đông Tây, có khoảng 650 hộ dân bị ảnh hưởng, dự kiến mức kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB khoảng 220 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Hiện nay, công tác GPMB đã và đang được các đơn vị liên quan triển khai theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh và thành phố, những nơi nào thuận lợi thì cho giải phóng trước để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, do việc bố trí kinh phí chậm dẫn đến công tác này gặp nhiều khó khăn, theo chủ đầu tư đến nay mới có 2 hạng mục được thực hiện xong là cắm mốc ngoài thực địa và trích lục hồ sơ địa chính. Hiện thành phố đã phê duyệt xong 3 phương án bồi thường GPMB với tổng kinh phí trên 63,2 tỷ đồng thuộc địa bàn phường Tân Lập, đoạn từ km2+100 – km4+400, nhưng mới bố trí được khoảng 27 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phát triển đất tỉnh, số còn lại đang chờ bổ sung. Việc bố trí kinh phí GPMB chậm là sự cản trở không hề nhỏ đối với đơn vị thực hiện nhiệm vụ chi trả. Bởi theo Quyết định 39/2014/QĐ-UBND ngày 10-11-2014 của UBND tỉnh về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh thì chủ đầu tư dự án thực hiện thu hồi đất có trách nhiệm chuyển kinh phí cho đơn vị làm nhiệm vụ (ở đây là Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột) chi trả cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt phương án, nếu quá 30 ngày, chủ đầu tư phải chịu thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế. Hiện chủ đầu tư đã ký 3 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chi phí tổ chức thực hiện GPMB, trong đó quyết định được ký sớm nhất cách đây đã gần 3 tháng và quyết định gần nhất đã hơn 1 tháng, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa có kinh phí chi trả cho các hộ dân.

Thực tế, công tác kiểm kê và rà soát số hộ dân, tổ chức và các vật kiến trúc bị ảnh hưởng khi thi công công trình đã được Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột thực hiện cơ bản hoàn tất, chỉ còn đoạn qua phường Tân Thành và Tự An do đang điều chỉnh cầu qua suối Ea Tam nên chưa kiểm kê xong. Tuy nhiên, do việc bố trí vốn “nhỏ giọt” nên Trung tâm không thể trình phương án phê duyệt (vì kinh phí không đủ và phải gánh thêm phần quá thời hạn phải chi trả theo Quyết định 39). Ngoài khó khăn về vốn, công tác GPMB ở công trình này còn những rào cản về việc xác minh chủ sở hữu đất. Ông Lê Đức Hải, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột cho biết, phần lớn diện tích đất bị ảnh hưởng khi triển khai dự án là đất nông nghiệp, chủ đất chia ra từng lô nhỏ bán lại cho người dân địa phương khác nên rất khó xác minh chủ đất mới, còn chủ đất cũ có tên trong giấy tờ không còn ở địa bàn, do vậy việc kiểm đếm, thống kê gặp nhiều khó khăn, phải làm đi làm lại nhiều lần.

Công tác GPMB là một trong những khâu rất quan trọng, có yếu tố quyết định đến quá trình thực hiện tiến độ chung của dự án. Do vậy, tại buổi Lễ khởi công công trình trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl đã đề nghị chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các thủ tục, vướng mắc, bảo đảm mặt bằng để thi công trong quá trình triển khai dự án. Còn về phía Trung tâm Phát triển Quỹ đất cũng cam kết, 2 tháng còn lại của năm 2015 sẽ hoàn thiện những việc liên quan đến mặt bằng dự án đoạn qua phường Tự An và xã Hòa Thắng. Trong thời gian chờ bố trí vốn, Trung tâm tiếp tục hoàn thiện các công đoạn còn lại, sẵn sàng trình phương án phê duyệt khi có vốn.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.