Multimedia Đọc Báo in

Gian nan lộ trình sắp xếp, đổi mới các công ty nông - lâm nghiệp (kỳ I)

08:34, 24/11/2015

Qua quá trình sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 16-3-2003 của Bộ Chính trị và Nghị định 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ, Đắk Lắk hiện có 25 công ty nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của các đơn vị vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngày 12-3-2014, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW với những quan điểm, định hướng mới để tiếp tục tái cơ cấu các công ty nông lâm nghiệp phù hợp với tình hình thực tế. Riêng tại tỉnh ta, lộ trình này còn lắm gian nan…

Kỳ I: Sau 10 năm chuyển đổi: vẫn “bình mới rượu cũ”

Sau khi chuyển đổi sang công ty nông - lâm nghiệp và hiện nay là công ty TNHH Một thành viên, các đơn vị này hoạt động theo luật doanh nghiệp, hạch toán độc lập. Nhưng trên thực tế là thay đổi tên gọi còn  hoạt  động không có gì mới, nhất là đối với các công ty lâm nghiệp gần như “dẫm chân tại chỗ”. Và hệ lụy là rừng và đất rừng liên tục bị xâm hại, tranh chấp đất đai, khiếu kiện kéo dài đến nay vẫn chưa thể xử lý.

Quản lý, sử dụng tài nguyên đất chưa chặt chẽ

Toàn tỉnh có 25 công ty nông – lâm nghiệp quản lý và sử dụng trên 219.000 ha đất và rừng. Trong đó, 10 công ty nông nghiệp quản lý trên 23.735 ha đất nông nghiệp, 15 công ty lâm nghiệp quản lý trên 195.193 ha rừng, đất lâm nghiệp. Trong số 23.735 ha đất nông nghiệp do các công ty nông nghiệp quản lý, diện tích đơn vị tự tổ chức sản xuất 15.375 ha, chiếm 64,77%, số còn lại thực hiện khoán (khoán theo Nghị định 135 là 3.380 ha, khoán trắng 109,9 ha). Đối với diện tích chưa thực hiện giao khoán theo Nghị định 135, từ năm 2006 - 2011, các công ty nông nghiệp tiếp tục thực hiện. Phương án khoán của doanh nghiệp (DN) được xây dựng trên cơ sở xác định cụ thể năng suất và chất lượng vườn cây tại thời điểm giao khoán và tính toán theo quá trình chu chuyển với 4 hình thức: khoán gọn đầu tư; khoán gọn DN có làm dịch vụ; liên kết bằng đất của DN rồi tính phương án ăn chia (hoặc thu phần DN đầu tư); chỉ giao đất cho người lao động, DN thu phí. Tuy nhiên, các căn cứ để xác định sản lượng giao khoán còn theo ý kiến chủ quan, thiếu tính thực tiễn, khoa học, mức khoán cao. Cụ thể, trong sản lượng khoán của người lao động phải chịu nhiều chi phí như: khấu hao các công trình thủy lợi, kho tàng, sân phơi, nhà cửa, chi phí quản lý, thậm chí còn phải gánh chịu cả chi phí lãi ngân hàng… Bên cạnh đó, chưa có cơ sở xác định về giá trị vườn cây giao khoán khi hết khấu hao và tỷ lệ ăn chia, hưởng lợi giữa công ty và người nhận khoán, dẫn đến ở nhiều đơn vị xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Đó là tình trạng không kiểm soát được tình hình đất giao khoán tại Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao Krông Ana cho nên nhiều hộ nhận khoán không chấp hành nộp tiền thuê đất và sản lượng. Quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh vì vậy đã ngưng trệ nhiều năm, chờ giải thể. Hay như đối với diện tích trên 3.900 m2 mà Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An thuê để xây dựng Trung tâm giới thiệu và phân phối sản phẩm cà phê, do không hiệu quả nên các ngành đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi…

Rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh bị người dân lấn chiếm xâm canh.
Rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh bị người dân lấn chiếm xâm canh.

Còn đối với 15 công ty lâm nghiệp, trong số 195.451 ha, diện tích công ty tự tổ chức sản xuất 147.347 ha, khoán 20.459 ha, sử dụng khác 27.644 ha. Từ khi thành lập, các công ty lâm nghiệp được giao quản lý, sử dụng diện tích đất lớn, nhưng do năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh còn hạn chế, thực hiện khoán còn nhiều tồn tại, nhiều đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, liên doanh liêt kết không đúng quy định nên hiệu quả sử dụng đất thấp. Bên cạnh đó, công tác quản lý sử dụng đất của các công ty trong thời gian dài thiếu chặt chẽ, lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng, ở một số đơn vị còn có tình trạng buông lỏng quản lý, áp lực dân di cư ngoài kế hoạch nên dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai để sản xuất nông nghiệp, đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm với tổng diện tích lên đến con số trên 21.000 ha. Có nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là tiềm lực không có nên việc tổ chức các họat động sản xuất, kinh doanh trở nên cầm chừng, không tìm ra nguồn đầu tư nào để vươn lên. Bên cạnh đó, sự thiếu năng động, khả năng tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh… của các công ty lâm nghiệp còn yếu và hạn chế đã khiến khối kinh tế vốn đầy tiềm năng và thế mạnh này không đạt kết quả như mong muốn.

Hoạt động sản xuất kém hiệu quả

Theo kết quả tổng hợp tình hình sản xuất kinh doanh trong 3 năm từ 2012-2014, lợi nhuận thu được, các khoản nộp ngân sách Nhà nước trong những năm gần đây của các công ty nông nghiệp chủ yếu là nguồn thu từ chế biến cà phê, khai thác chế biến cao su. Lợi nhuận sau thuế thu nhập DN trung bình 3 năm của 10 công ty chỉ đạt 116,7 tỷ đồng. Trong đó, 3 đơn vị lợi nhuận đạt trên 10 tỷ đồng/năm (Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An, Thắng Lợi, Cao su Đắk Lắk), 2 đơn vị có lợi nhuận đạt trên 1 tỷ đồng/năm (Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Tháng 10, Cà phê Ea Pôk), 3 đơn vị có lợi nhuận nhưng không đáng kể  (Công ty TNHH MTV Cà phê Cư Pul, Buôn Ma Thuột, Công ty sản xuất kinh doanh tổng hợp Krông Ana), 2 đơn vị sản xuất kinh doanh thua lỗ (Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Krông Ana và Dray H’linh). So với tiềm năng, lợi thế, quy mô về quản lý, sử dụng đất, được xem là trọng điểm liên kết sản xuất nông nghiệp ở các vùng mà DN đứng chân thì con số lợi nhuận trên còn quá khiêm tốn, xét đến cùng thì chưa hiệu quả.

Chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.
Chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.

Còn đối với 15 công ty lâm nghiệp, mặc dù, được thành lập với mục tiêu chủ yếu là quản lý bảo vệ và kinh doanh rừng sản xuất, nhưng các đơn vị này không được tự chủ khai thác gỗ theo phương án kinh doanh. Diện tích rừng chưa được xác định giá trị để giao vốn cho DN, việc vay vốn ngân hàng thương mại để trồng rừng sản xuất gặp quá nhiều trở ngại. Tình trạng này kéo dài nhiều năm đã đặt DN vào hoàn cảnh hết sức khó khăn vì có đất, có lao động nhưng không phát triển được sản xuất. Để nuôi người giữ rừng và giữ được rừng, hiện nay một số công  ty lâm nghiệp, chỉ biết trông chờ kinh phí hỗ trợ từ phí dịch vụ môi trường rừng, số khác thì trông chờ một phần vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Trong số 15 DN, chỉ có 1 đơn vị có lợi nhuận đạt trên 1 tỷ đồng/năm (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông), 5 đơn vị có lợi nhuận nhưng không đáng kể (các công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: M’Đrắk, Ea Kar, Lắk, Ya Lốp, Buôn Ja Wầm), còn lại 9 đơn vị thua lỗ kéo dài. Lợi nhuận sau thuế thu nhập DN trong 3 năm của 15 DN là âm 3,6 tỷ đồng. Tình  trạng thua lỗ, nợ nần kéo dài, nguy cơ không tiếp tục đứng vững của các công ty lâm nghiệp là hiện hữu. Thế nên mới có chuyện, có đơn vị không những người lao động xin nghỉ, thậm chí ngay cả lãnh đạo cũng xin nghỉ việc, hoặc đề xuất chuyển đơn vị cho đơn vị khác có năng lực quản lý bảo vệ rừng. 

Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW của Bộ Chính trị  về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh tỉnh Đắk Lắk chỉ rõ, việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu mới thay đổi về tên gọi, chứ chưa thực chất đổi mới về phương thức hoạt động, cơ chế quản lý, sản xuất kinh doanh, cơ chế tài chính, quản lý sử dụng đất. Chính vì vậy, việc chuyển đổi này chưa tạo động lực kích thích phát triển và câu chuyện “bình mới rượu cũ” đã kéo dài hơn 10 năm qua!

(Còn nữa)

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc