Multimedia Đọc Báo in

Krông Nô "thay da đổi thịt" từ Chương trình 135

08:27, 11/11/2015
Xã Krông Nô (huyện Lắk) là một xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh. Xã hiện có 14 buôn, 1.938 hộ và 9.192 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc M’nông chiếm hơn 58%. Sau 5 năm thực hiện Dự án điểm đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc M’nông (2011 - 2015), đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã Krông Nô đã có những chuyển biến tích cực.

Đến thăm Krông Nô hôm nay, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên về sự “thay da đổi thịt” của các buôn làng sau 5 năm được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn 135 của Dự án điểm đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc M’nông. Ngoài nguồn vốn trên, xã Krông Nô còn được hỗ trợ lồng ghép nhiều nguồn vốn khác, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo từ 54,04% năm 2011, đến cuối năm 2014 đã giảm còn 28%. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Trong những năm qua, xã Krông Nô được đầu tư gần 74,4 tỷ đồng để xây dựng 19 công trình như: xây dựng, sửa chữa đường giao thông, công trình nước sạch, trụ sở làm việc, kiên cố hóa kênh mương…; trong đó vốn từ Chương trình 135 là hơn 9,2 tỷ đồng. Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng từ trung tâm xã đến các thôn, buôn, bảo đảm thông suốt kể cả mùa mưa lẫn mùa khô, đáp ứng được nhu cầu đi lại và phát triển sản xuất của nhân dân trong xã. Anh Y Klăm Bkrông (buôn Yong Hắt) phấn khởi: “Từ ngày có đường bê tông nhìn buôn làng sạch sẽ và tươi mới hẳn lên. Vào mùa mưa bây giờ bà con dễ dàng đi rẫy, con cái đi học thuận tiện, không bị trơn trượt té ngã nữa”. Các trạm y tế, hệ thống trường, lớp học đã được đầu tư xây dựng cơ bản, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, học tập của người dân. Chị H’Duon Nbu (buôn Trang Yuk) đang lấy nước từ bể nước sạch tươi cười chia sẻ: “Trước đây bà con có đào giếng để lấy nước sạch dùng, nhưng giếng bị nhiễm phèn buộc phải dùng nước suối. Tuy nhiên, gần đây nước suối cũng bị ô nhiễm do phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên khi có bể nước sạch này ai cũng vui’’.

Người dân  xã Krông Nô  (huyện Lắk) sử dụng nước  của  công trình nước sạch được đầu tư xây dựng  từ nguồn vốn 135.
Người dân xã Krông Nô (huyện Lắk) sử dụng nước của công trình nước sạch được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn 135.

Không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, từ nguồn vốn 135, các hộ nghèo trên địa bàn xã còn được cung cấp cây, con giống để phát triển sản xuất. Đặc biệt đã có 77 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 77 con bò giống sinh sản. Ông Y Chang Bhkrông (buôn Yong Hắt) là một trong những hộ tiếp nhận nguồn hỗ trợ và sử dụng rất hiệu quả. Trước đây, gia đình ông Ychang thuộc hộ nghèo, vào năm 2010 ông được hỗ trợ 1 con bò cái, hơn 1 năm sau bò đẻ. Đến bây giờ, bò cái đã sinh sản thêm 4 con nữa, như vậy hiện nay gia đình ông đang có tài sản trị giá khoảng 80 triệu đồng. Ông Ychang không giấu được niềm vui: “Nhờ được dự án hỗ trợ bò cái mà bây giờ gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, tôi sẽ nuôi thành một đàn bò để phát triển kinh tế”. Dự án điểm đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc M’nông ở xã Krông Nô còn chú trọng bồi dưỡng, tập huấn cho các thôn trưởng, buôn trưởng và những người có uy tín trong cộng đồng đi giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm, tham quan một số mô hình chăn nuôi trồng trọt có hiệu quả kinh tế cao tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Ông Y La, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Krông Nô cho biết: “Nhờ dự án tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn phổ biến kiến thức chăn nuôi trồng trọt mà bà con trong xã được phổ cập rất nhiều kiến thức hay, bổ ích, áp dụng vào thực tiễn khá thành công”.

Ông Yrinh Adrơng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đánh giá: So với những năm đầu thực hiện Dự án, số hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể. Riêng tại buôn Yong Hắt có 144 hộ, cách đây khoảng 5 năm buôn có đến 50% là hộ nghèo, nhưng đến bây giờ chỉ còn 5 hộ cận nghèo và 8 hộ nghèo. Bình quân mỗi năm giảm được 5,8%. Đời sống của bà con cũng được cải thiện đáng kể, từ thu nhập 5 triệu đồng/năm thì nay bà con đã có thể đạt được 10 triệu đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đã đạt được, tỷ lệ hộ nghèo của xã Krông Nô vẫn còn cao hơn so với tỷ lệ chung của huyện và tỉnh. Số hộ có nhà tạm bợ còn nhiều, các công trình thiết yếu vẫn còn thiếu. Xã chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong phát triển kinh tế-xã hội, chẳng hạn như tiềm năng phát triển du lịch sinh thái vẫn chưa được chú trọng đầu tư khai thác.

 Ánh Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.