Multimedia Đọc Báo in

Nghịch lý nguyên liệu gỗ rừng trồng huyện M'Đrắk

11:29, 29/11/2015

Những năm qua, huyện M’Đrắk là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế rừng (chủ yếu là cây keo). Tuy nhiên, do khối lượng gỗ chế biến tại chỗ còn hạn chế đã làm giảm giá trị kinh tế của sản phẩm gỗ rừng trồng tại địa phương.

Phong trào trồng rừng ở huyện M’Đrắk phát triển mạnh bắt đầu từ năm 2007, đến nay có hơn 13.900 ha (tăng 500 ha so với năm 2014), tập trung nhiều nhất tại xã Ea Trang, Cư K’róa, Cư San, Ea M’doan…, trong đó, diện tích rừng của người dân hơn 6.000 ha, còn lại là của các doanh nghiệp: Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp M’Đrắk, Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu, Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai, Công ty TNHH Tam Phát, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành M’Đrắk và Dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên” (FLITCH).

Do đất xấu, trồng các loại cây ngắn ngày hiệu quả kinh tế thấp nên từ năm 2007, bà Mạc Thị Phơ (thôn 1, xã Cư K’róa) đã chuyển 3 ha sang trồng keo lai mô. Giống keo này có ưu điểm vượt trội so với keo giâm hom là kháng sâu bệnh tốt, ít phân cành, không chẻ thân, chỉ cần 4 – 5 năm là có thể cho thu hoạch (trong khi keo giâm hom là 7 năm) nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Đợt khai thác vừa rồi, với giá bán gỗ 1 triệu đồng/m3, gia đình bà thu được 200 triệu đồng. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Điều ở cùng thôn có 8 ha đất trồng keo, vừa qua 3,5 ha đã cho khai thác, thu về 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Song, Chủ tịch, UBND xã Cư K’róa cho biết: Trên địa bàn xã có 750 ha keo lai, trong tổng số 768 hộ dân của địa phương thì có đến 70% số hộ trồng keo, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đất đai vùng này chủ yếu là đồi núi, sỏi đá, so với các loại cây trồng khác thì keo cho hiệu quả kinh tế cao nhất, vườn cây đến độ tuổi khai thác là thương lái vào mua luôn cả vườn, người trồng không phải lo việc thu hoạch, vận chuyển. Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk, năm 2015, địa phương trồng mới hơn 1.000 ha rừng (trong đó các công ty lâm nghiệp trồng 400 ha, nhân dân trồng 700 ha), nâng tổng diện tích rừng toàn huyện lên gần 14.000 ha, với giá bán hiện nay vào khoảng 1 triệu đồng/m3, mỗi ha keo giúp người trồng thu về 80-100 triệu đồng trong chu kỳ 4 – 5 năm.

Sản xuất dăm gỗ tại HTX Tiến Nam (huyện M’Đrắk).
Sản xuất dăm gỗ tại HTX Tiến Nam (huyện M’Đrắk).

Song song với việc phát triển diện tích, cải thiện chất lượng cây giống, thì công tác thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển chế biến lâm sản cũng được chú trọng. Theo đó, địa phương đã dần hình thành các chuỗi trồng rừng gắn liền với chế biến, xuất khẩu gỗ như của HTX Tiến Nam, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành M’Đrắk… Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến gỗ tại Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương… cũng đến địa phương thu mua gỗ, dẫn đến cạnh tranh nguyên liệu gỗ khá quyết liệt. Do đó, mặc dù nằm giữa vùng nguyên liệu dồi dào, nhưng một số cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn lại lâm vào tình trạng thiếu gỗ đầu vào phục vụ sản xuất. Cụ thể, HTX Tiến Nam (thị trấn M’Đrắk) đã xây dựng nhà máy dăm gỗ với tổng số vốn đầu tư 10 tỷ đồng, công suất thiết kế là 25.000 tấn sản phẩm/năm từ tháng 9 năm 2014, nhưng đến nay thực tế hoạt động mới chỉ đạt 1/3 công suất do thiếu nguyên liệu. Ông Bạch Văn Sanh, Chủ nhiệm HTX cho biết, hiện tại, HTX thu mua gỗ tại cơ sở với giá hơn 1 triệu đồng/m3, tăng 150.000 đồng/m3 so với năm 2014 nhưng vẫn không đủ để vận hành. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện M’Đrắk, mỗi năm địa phương khai thác khoảng 100.000 m3 gỗ rừng trồng, nhưng khối lượng chế biến tại chỗ rất nhỏ, phần lớn gỗ sau khi khai thác được các doanh nghiệp ngoại tỉnh thu mua chở đi nơi khác chế biến. Nguyên nhân của tình trạng này là các đơn vị chế biến gỗ rừng trồng ngoại tỉnh có tiềm lực tài chính mạnh nên sẵn sàng cạnh tranh về giá, thêm vào đó, đội ngũ nhân lực, phương tiện khai thác, vận chuyển hùng hậu nên dễ mua được gỗ khối lượng lớn. Với thực trạng này, người trồng rừng được hưởng lợi về giá bán và không phải chịu chi phí khai thác, vận chuyển, nhưng địa phương lại bị thiệt về kinh tế do thiếu nguyên liệu sản xuất, mặt khác gỗ qua chế biến có giá bán cao hơn nhiều nhưng lợi nhuận lại thuộc về doanh nghiệp ở nơi khác, thậm chí có khi sản phẩm từ gỗ rừng trồng được xuất bán trở lại Đắk Lắk.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc