Sau 5 năm thực hiện quy chế phối hợp QLBVR: An ninh rừng từng bước được củng cố
Qua 5 năm thực hiện Quyết định 141/QĐ-UBND ngày 18-1-2010 của UBND tỉnh về thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) giữa Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn với Công an, Quân đội, Biên phòng và lực lượng dân quân tự vệ, an ninh rừng từng bước được kiểm soát chặt chẽ, nhất là những vùng trọng điểm về phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép…
Hiệu quả từ việc phối hợp tuần tra, truy quét lâm tặc
Hằng năm, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Kiểm lâm đã phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động cưa xẻ, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, qua đó, xử lý hàng chục cơ sở vi phạm, đề nghị UBND tỉnh, huyện đình chỉ 13 doanh nghiệp chế biến gỗ, 40 cơ sở chế biến đồ mộc. Đôi với việc truy quét các điểm nóng, đoàn liên ngành đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra trên địa bàn huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, M’Đrắk, Krông Bông, Lắk… Tại huyện Buôn Đôn, đã kịp thời chấn chỉnh những sai phạm về khai thác gỗ quý hiếm trái phép tại Vườn Quốc gia Yôk Đôn, lấn chiếm, chặt phá rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn, đốt than củi tại xã Ea Bar và vận chuyển gỗ quý hiếm qua biên giới Việt Nam – Campuchia. Còn tại huyện Ea Súp, qua 5 năm, các ngành kiểm tra, xử lý tịch thu được 241,883 m3 gỗ các loại, 5 cưa xăng, 18 xe máy cày do lâm tặc khai thác, vận chuyển trái phép… Bên cạnh đó, hoạt động tuần tra, truy quét những tụ điểm khai thác, mua bán lâm sản trái phép tại các vùng giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Gia lai, Phú Yên, Khánh Hòa cũng được tăng cường, tổ chức thường xuyên, đã ngăn chặn tình trạng săn bắn động vật rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại các vùng biên giới, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Các hoạt động này đều có sự hỗ trợ tích cực của lực lượng Cảnh sát Kinh tế, Môi trường, Giao thông… Ngoài việc hỗ trợ cho ngành Kiểm lâm trong công tác tuần tra, truy quét lâm tặc, lực lượng quân đội, biên phòng còn tham gia tích cực trong việc thực hiện chương trình định canh, định cư, kinh tế mới, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần đáng kể trong việc ngăn chặn nạn phá rừng.
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin bàn kế hoạch tuần tra rừng. |
Còn đó những khó khăn
Theo đánh giá của UBND tỉnh, những năm qua, sự phối hợp của lực lượng liên ngành đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị quân đội đóng ở vùng gần rừng đã tham gia nhận quản lý, bảo vệ hơn 5.700 ha rừng vành đai biên giới; đồng thời, tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm cơ sở tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán trong khu vực đóng quân của đơn vị. Lực lượng kiểm lâm phối hợp với lực lượng công an đã tổ chức điều tra, thống kê, phân loại đối tượng đầu nậu, lâm tặc khai thác, vận chuyển, buôn bán kinh doanh lâm sản, động vật rừng trái phép... Qua 5 năm, toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra và xử lý trên 9.000 vụ vi phạm, trong đó 123 vụ khởi tố hình sự, tịch thu 17.181 m3 gỗ các loại, thu giữ 4.709 phương tiện, tiền thu sau xử lý 118,2 tỷ đồng.
Có thể thấy, quy chế, kế hoạch phối hợp giữa các cấp, các ngành được xây dựng chặt chẽ, đồng bộ, đáng chú ý là các hành vi chống người thi hành công vụ cũng được nghiêm túc điều tra và xử lý kịp thời. Đặc biệt, đối với những vụ vi phạm mà đối tượng tỏ ra hung hãn, không chấp hành các quy định của pháp luật thì việc có mặt đầy đủ cả ba lực lượng đã ngăn chặn kịp thời và giải quyết có hiệu quả. Tuy nhiên, một số địa phương, công tác phối hợp giữa các ngành chưa đồng bộ và không được duy trì thường xuyên, còn nặng tính sự vụ, chưa thực sự coi phối hợp bảo vệ rừng là nhiệm vụ, trách nhiệm chung... Chính vì vậy, việc tổ chức truy quét các cá nhân, tổ chức phá hoại rừng hiệu quả chưa cao, công tác bảo đảm hậu cần cho các đợt truy quét lâm tặc thiếu và bị động. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý các vụ vi phạm lâm luật có dấu hiệu tội phạm hình sự còn hạn chế, nhất là việc thu thập trao đổi tài liệu, chứng cứ ban đầu, vẫn còn tình trạng thiếu thống nhất, chỉ dừng lại ở khâu điều tra, thống kê đối tượng, chưa đi sâu vào các biện pháp theo dõi, quản lý hoặc xử lý đối với những đối tượng ngoan cố, chống đối. Ngoài ra, kinh phí cho hoạt động của liên ngành rất hạn chế, lại chưa có cơ chế rõ ràng, chủ yếu lực lượng kiểm lâm chịu trách nhiệm nên gặp nhiều khó khăn, không đủ khả năng để duy trì các lực lượng liên ngành hoạt động thường xuyên, dài ngày.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc