Tạo động lực xây dựng nông thôn mới: Ưu tiên hoàn thành sớm tiêu chí điện
Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó, đã có 7 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Theo nội dung Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, các xã khu vực Tây Nguyên đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn phải có hệ thống điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và 98% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn. Tuy nhiên, tại một số địa phương ở Đắk Lắk, điện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhiều nơi lưới điện xuống cấp, mất an toàn và số xã đạt chuẩn NTM về điện còn thấp. Cụ thể, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 3.871 km đường dây hạ áp nông thôn, 285.943 hộ dùng điện, trong đó, chỉ có 3.069 km đường dây bảo đảm yêu cầu kỹ thuật an toàn (đạt gần 79,3%) và 275.266 hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn (gần 96,3%). Bên cạnh đó, theo số liệu của Sở Công Thương, hiện mới chỉ có 95/152 xã đạt tiêu chí điện nông thôn, đặc biệt, một số địa phương có số xã đạt tiêu chí số 4 thấp như: huyện Lắk (2/10 xã), Buôn Đôn (2/7 xã), Krông Bông (3/13 xã)…
Nhiều đoạn dây điện vắt ngang đường tiềm ẩn mối nguy hiểm tại địa bàn xã Cư Ni, huyện Ea Kar. |
Một trong những địa bàn đang gặp khó về điện là thôn 8, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn; dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 2 km, nhưng đến nay người dân vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Thôn này có 104 hộ, phần lớn từ các tỉnh phía Bắc di cư vào, năm 2011, một số hộ dân phải góp tiền để kéo điện từ xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn cách đó hơn 3 km về sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, điện yếu, không đủ sử dụng, đặc biệt là vào cao điểm mùa khô. Chưa kể, thất thoát điện năng trên đường dây lớn, nên người dân phải trả tiền điện hằng tháng với giá cao (bình quân 2.000 đồng/kWh). Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Cuôr Knia cho biết, địa phương đặt mục tiêu phấn đấu năm 2016 hoàn thành tiêu chí điện NTM, tuy nhiên, lưới điện trên địa bàn vẫn còn bất cập do nguồn ngân sách đầu tư nhỏ giọt và kêu gọi xã hội hoá gặp khó khăn, điện thiếu và không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đã cản trở phát triển kinh tế - xã hội địa phương và phục vụ dân sinh. Trong khi đó, tại xã Cư Huê, huyện Ea Kar, có 3 khu vực người dân phải tự kéo điện và dùng qua đồng hồ tổng gồm thôn Cư Nghĩa, Tứ Xuân và Ea Kung, trong đó, riêng thôn Ea Kung cách trung tâm xã 7 km vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Không riêng gì xã Cư Huê, đến cuối tháng 8-2015, huyện Ea Kar chưa có xã nào đạt tiêu chí điện NTM theo quy định của Chính phủ, trong đó, nhiều thôn, buôn chưa phủ kín điện hoàn toàn, một số địa bàn có điện nhưng rất yếu, không đáp ứng nhu cầu sử dụng, đường dây sau công tơ không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, còn có 8 thôn, buôn chưa có điện thuộc các xã Cư Elang, Ea Sar, Ea Sô, Cư Huê, Ea Tyh, Cư Bông và Ea Kmút.
Trụ điện hạ thế tại thôn 2, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin tập trung nhiều công tơ của người dân. |
Thực hiện chương trình NTM, giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh đã đầu tư 350 tỷ đồng xây dựng lưới điện, trong đó, vốn ngành điện 150 tỷ đồng, người dân đóng góp 180 tỷ đồng và nguồn vốn khác 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các địa phương, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn 189 thôn, buôn với gần 14.000 hộ chưa có điện. Khó khăn hiện nay là việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện là của đơn vị quản lý, vận hành và bán điện (chủ yếu là ngành điện), tuy nhiên số vốn đầu tư cho từng tỉnh, thành phụ thuộc vào kế hoạch của các tổng công ty điện lực; bên cạnh đó, nguồn vốn kêu gọi xã hội hoá cũng không dễ dàng. Có thể nói, trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 4 về điện nông thôn có vai trò rất quan trọng và cần được ưu tiên đầu tư, bởi có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất không những nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân mà còn tạo động lực thúc đẩy chương trình nông thôn mới về đích đúng tiến độ. Kế hoạch của Đắk Lắk trong giai đoạn 2016 – 2020 là phấn đấu sẽ có 140/152 xã đạt tiêu chí này. Tín hiệu vui cho mục tiêu này là Đắk Lắk đang triển khai Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia với tổng số vốn 1.500 tỷ đồng, trong đó 85% nguồn vốn của Trung ương, vốn đối ứng của tỉnh 15%. Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương làm chủ đầu tư và sở này đã khảo sát, lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để đề xuất trung ương phê duyệt, bố trí vốn. Bởi vậy, những địa bàn chưa có điện, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa cần được ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương không nên trông chờ hoàn toàn vào sự đầu tư của Nhà nước mà cần chủ động huy động đóng góp của người dân trong công tác đầu tư lưới điện để sớm hoàn thành tiêu chí điện nông thôn của địa phương mình.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc