Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng KHKT vào sản xuất: Tạo sức bật cho nông dân

09:08, 13/11/2015

Chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất không chỉ giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề mà còn góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh.

Nông dân trẻ Nguyễn Văn Vinh (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) là một trong những điển hình tiêu biểu trong việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất mang lại hiệu quả tích cực. Việc đưa vào sản xuất các giống lúa chất lượng cùng với việc đầu tư mua máy làm đất, máy gặt lúa liên hoàn và các loại máy móc khác để phục vụ sản xuất đã giúp gia đình anh giảm được chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, trên diện tích 10 ha, mỗi năm gia đình anh canh tác được 2 vụ cho sản lượng đạt trên 100 tấn lúa. Cùng với việc mở thêm dịch vụ cày bừa và thu hoạch cho bà con tại địa phương, anh Vinh không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn giúp các nông hộ trên địa bàn thay đổi cách sản xuất thủ công và giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng. Anh Vinh phấn khởi: “Trước đây, do chưa có kinh nghiệm, cũng chưa biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên sản xuất lúa năm nào cũng đạt hiệu quả rất thấp. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như Hội Nông dân xã, tôi đã liên hệ với các cơ sở cung cấp giống lúa mới phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương để cho năng suất, chất lượng cao hơn. Từ khi đưa máy gặt đập vào sử dụng, gia đình tôi có thể chủ động hơn trong khâu thu hoạch. Hiện nay, thu nhập hàng năm của gia đình tôi đạt khoảng 150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí”.

Mô hình nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học của gia đình  ông Mai Thạch Khanh.
Mô hình nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học của gia đình ông Mai Thạch Khanh.

Lần đầu tiên đầu tư chăn nuôi, gia đình ông Mai Thạch Khanh (xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học. Mô hình này không những giúp giải quyết hiệu quả chất thải trong chăn nuôi mà còn giúp tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian. Với đàn heo thịt hơn 30 con, sau 4 tháng nuôi, giá bán bình quân 53.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi gần 1 triệu đồng/con. Ông Khanh chia sẻ: Nếu nuôi heo chuồng bê tông phải dọn chuồng 2 lần/ngày, thì nuôi đệm lót chỉ xới đệm 1 lần/ngày, tiết kiệm được công lao động và cả điện, nước. Bên cạnh đó, toàn bộ chất thải ra hàng ngày được lên men phân hủy trong đệm lót vì vậy không có mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường, nhờ vậy mà heo phát triển khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, không có bệnh tật. Ngoài ra phần trên của đệm lót là nguồn phân sạch và có giá trị dinh dưỡng cao và dễ hấp thu đối với cây trồng, sử dụng nguồn phân này vừa nâng cao năng suất vừa giảm chi phí mua phân vô cơ, thuốc trừ sâu”.

Việc áp dụng tiến bộ KHKT mới được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến, từng bước nâng cao giá trị cây trồng và thu nhập. Để vận động và khuyến khích hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, giới thiệu các mô hình làm kinh tế có hiệu quả cao để nông dân học hỏi, áp dụng vào sản xuất. Nhờ đó, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đến nay, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn, sáng tạo với nhiều cách làm hay, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

 Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.