Multimedia Đọc Báo in

Vất vả quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

08:45, 27/11/2015

Đắk Lắk có diện tích rừng lớn, giáp ranh với nhiều tỉnh nên công tác quản lý, bảo vệ rừng ở những khu vực này trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn.

Những khu vực có rừng giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Nông, Lâm Đồng là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, tập trung nhiều loại gỗ quý và các loài động thực vật quý hiếm; có tác dụng phòng hộ đầu nguồn các con sông lớn… Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, dân cư sống phần nhiều phụ thuộc vào rừng nên việc quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để kiểm soát tình hình. Trước yêu cầu bức thiết đó, từ năm 2004 đến nay, Đắk Lắk đã ký kết quy chế, phương án phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại các vùng giáp ranh với các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Nông, Phú Yên, Lâm Đồng. Trong đó, các địa phương thống nhất với nhau về mục tiêu, trách nhiệm cụ thể của các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh.  Trên cơ sở đó, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh chỉ đạo các Hạt kiểm lâm huyện, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên… tiến hành xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể trong việc phối hợp tuần tra, quản lý bảo vệ rừng. Sau một thời gian triển khai, phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác bảo vệ rừng, lực lượng chức năng vùng giáp ranh làm “hạ nhiệt” những điểm nóng về an ninh rừng; phát hiện, xử lý nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Rừng bị phá để lấy đất sản xuất ở xã Cư San (huyện M’Đrắk).
Rừng bị phá để lấy đất sản xuất ở xã Cư San (huyện M’Đrắk).

 Huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) có chiều dài khoảng 36,5 km giáp ranh với tỉnh Phú Yên - đây là khu vực nóng về nạn phá rừng. Thực hiện quy chế phối hợp tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh này, lực lượng chức năng của 2 tỉnh đã phát hiện 71 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 57,1 m3 gỗ các loại, xử phạt hành chính hơn 427 triệu đồng. Trong đó, có những đợt tuần tra chung đã phát hiện và xử lý những vụ phá rừng lớn. Cụ thể: Vào tháng 8-2012, Hạt Kiểm lâm M’Đrắk và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh phối hợp kiểm tra, lập biên bản vụ phá rừng giáp ranh giữa xã Cư Prao (huyện M’Đrắk) và xã Ea Ly, Ea Bar (huyện Sông Hinh) với 7.348 m2 rừng bị phá, thiệt hại 13,9 m3 gỗ. Vụ việc được Hạt Kiểm lâm M’Đrắk khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an giải quyết. Tháng 6-2013, Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh qua kiểm tra đã phát hiện tại khu vực xã Ea Trol (huyện Sông Hinh)  một số đối tượng khai thác gỗ trái phép với số lượng lớn, ước tính hơn 220 m3… Ngoài ra, khu vực giáp ranh với tỉnh Đắk Nông có nhiều khu rừng thường xuyên bị đe dọa xâm hại như Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar, VQG Yok Đôn, rừng của các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Đức, Đức Lập, Đắk Wil, Khu rừng đặc dụng Đray Sáp. Theo thống kê, từ khi thực hiện quy chế phối hợp từ năm 2012 đến nay, tại các vùng giáp ranh, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 26 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 24,9 m3 gỗ, xử phạt hành chính 147 triệu đồng.  Một địa bàn khác tình trạng phá rừng cũng “nóng” không kém đó là khu vực giáp ranh giữa 2 huyện M’Đrắk, Krông Bông với thị xã Ninh Hòa, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) khi lực lượng chức năng của 2 tỉnh đã phát hiện 82 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 190 m3 gỗ, phạt hành chính 730 triệu đồng.

Ông Y Sy H’dơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá: Việc thực hiện quy chế, phương án phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng giúp các địa phương giáp ranh trao đổi, nắm bắt thông tin, phối hợp tuần tra, hỗ trợ lực lượng cho nhau khi cần, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế như: còn nặng tính sự vụ, việc phối hợp tuần tra chưa được thường xuyên; đời sống của người dân sống gần rừng phần nhiều phụ thuộc vào việc phát rừng làm rẫy, khai thác lâm sản; cán bộ quản lý, bảo vệ rừng của các xã giáp ranh chủ yếu là kiêm nhiệm năng lực cũng hạn chế… Cũng theo ông Y Sy, trong thời gian tới, địa phương sẽ rà soát, bổ sung, điều chỉnh lại các quy chế phối hợp với các tỉnh cho phù hợp với tình hình mới; đề xuất mỗi tỉnh thành lập một đoàn liên ngành có nhiệm vụ thường xuyên phối hợp kiểm tra, kiểm soát tình hình xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh; lập danh sách những đối tượng đầu nậu khai thác, mua bán, chế biến lâm sản trái phép để xử lý; thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng cho người dân…

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.