Chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
Trong 11 tháng qua, công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh nhìn chung đã có những chuyển biến tích cực khi số vụ vi phạm lâm luật đã giảm đáng kể, nhiều vụ vi phạm lớn đã được phát hiện, xử lý kịp thời.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến hết tháng 11-2015, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 1.755 vụ vi phạm lâm luật, trong đó, khởi tố hình sự 21 vụ; tịch thu 2.920 m3 gỗ các loại , tịch thu hơn 1.004 phương tiện, công cụ, máy móc; tiền thu sau xử lý hơn 16,5 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 379 vụ, tương ứng với 17,8%. Để có được những chuyển biến tích cực đó, thời gian qua các lực lượng chức năng đã thực hiện quyết liệt Chỉ thị 34-CT/TU, ngày 19-1-2015 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác QLBVR, các đơn vị chức năng đã tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Lực lượng chức năng đã tổ chức 26 đợt kiểm tra thường kỳ, đột xuất tại các điểm nóng thuộc địa bàn các huyện Ea H’leo, Ea Súp, Cư M’gar, M’Đrắk…, qua đó đã tịch thu hơn 500 m3 gỗ các loại, tạm giữ một số xe ôtô, xe độ chế; phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng. Vào ngày 13-5, qua nguồn tin báo, các lực lượng chức năng của tỉnh và Bộ Công an đã kiểm tra hành chính tại Công ty Phước Lợi (Cụm Công nghiệp Ea Lê, xã Ea Lê, huyện Ea Súp) đã phát hiện 18,4 m3 gỗ tròn, xẻ các loại không có dấu búa của Kiểm lâm. Ngày 26-5, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an huyện Ea H’leo đã phát hiện trên địa bàn thôn 1, xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) có 7 vị trí tập kết gỗ với số lượng 813 lóng, hộp các loại có khối lượng 315,2 m3 không có dấu búa của Kiểm lâm. Các lực lượng chức năng đã tổ chức thu gom toàn bộ số gỗ tang vật nói trên và ra quyết định khởi vụ án để làm rõ các đối tượng vi phạm về quy định khai thác và bảo vệ rừng. Tiếp đó, cũng tại thôn 1, xã Ea H’leo, Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo phát hiện 1 vụ tập kết lâm sản trái pháp luật với số lượng 223 lóng, khối lượng 97,5 m3.
Tuần tra bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. |
Ngoài ra, nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm rẫy vẫn còn diễn ra, tuy nhiên đã giảm nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê, trong 11 tháng của năm 2015 có 31,1 ha rừng bị phá, so với cùng kỳ năm 2014 giảm 53 ha. Trong số diện tích rừng bị phá trái phép này, cơ quan chức năng đã lập hồ sơ xử lý hành chính 11 vụ, khởi tố hình sự 7 vụ với tổng diện tích 8,6 ha.
Ông Y Sy H’Đơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, công tác QLBVR thời gian qua tuy đã được cải thiện nhưng vẫn đang còn nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến rừng bị mất, đất rừng bị lấn chiếm. Nguyên nhân do việc khai thác, buôn bán lâm sản trái phép mang lại lợi nhuận cao; hàng vạn hộ dân sống xung quanh rừng có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập phụ thuộc nhiều vào rừng; nhiều Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và các chủ rừng khác thiếu lực lượng, phương tiện không đủ mạnh để trấn áp lâm tặc; một số chủ rừng thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý… Ngoài ra, các đối tượng lâm tặc rất manh động và liều lĩnh, sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Thời gian qua đã xảy ra 4 vụ lâm tặc tấn công lực lượng kiểm lâm, cao gấp 4 lần so với năm 2014. Để lập lại trật tự trong công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành xác định các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản, các tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép để tổ chức truy quét, ngăn chặn, xử lý; các đơn vị chủ rừng tập trung phân loại các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lập phương án cụ thể xử lý, giải tỏa, trồng phục hồi lại rừng; đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng ở các địa phương lập chuyên án xử lý các đối tượng lâm tặc, đầu nậu, phần tử dung túng, tiếp tay cho phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán sang nhượng đất rừng trái pháp luật…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc