Multimedia Đọc Báo in

Để phát huy tốt nội lực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

09:19, 15/12/2015
Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), toàn tỉnh có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí, 43 xã đạt 13-18 tiêu chí, 34 xã đạt 10-12 tiêu chí, 62 xã đạt 5-9 tiêu chí, 6 xã đạt 3-4 tiêu chí…
 
Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của người dân, trong tổng nguồn vốn huy động trên 36.000 tỷ đồng, các hộ dân đã đóng góp hơn 792 tỷ đồng; hiến 475.000 m 2 đất, hơn 102 nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Qua đó cho thấy nội lực trong nhân dân được phát huy khá tốt, người dân đã ý thức được vai trò làm chủ của mình trong XDNTM.

Tuy nhiên trên thực tế, phong trào huy động sức dân tham gia XDNTM thường phát triển mạnh ở những nơi có sự quan tâm hỗ trợ thiết thực từ chính quyền sở tại. Đơn cử như TP. Buôn Ma Thuột, với chủ trương Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp công và vật liệu để làm đường giao thông, tính đến tháng 9-2015, thành phố đã cấp phát 4.992 tấn xi măng, làm được khoảng 41 km đường giao thông nông thôn. Hay xã Ea Toh, huyện Krông Năng, khi được hỗ trợ xi măng, nhân dân đã tự huy động vật liệu, nhân công với tổng trị giá 5,13 tỷ đồng để làm 9 km đường bê tông theo thiết kế mẫu, tạo hiệu quả trong phong trào thi đua rất lớn... Tương tự, huyện Krông Pắc cũng có cơ chế hỗ trợ các xã bê tông hóa đường giao thông, như hỗ trợ 30% tổng chi phí hoặc hỗ trợ theo thôn người Kinh, thôn có trên 50% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số… nên đã thúc đẩy được phong trào thi đua, từ chỗ phải vận động nhân dân đóng góp, bây giờ thì ngược lại, nhân dân xin tham gia đóng góp để XDNTM. Nhờ vậy mà trong 5 năm thực hiện, nhân dân trên địa bàn huyện đã đóng góp trên 468 tỷ đồng, hiến 32.500 m2 đất, tham gia ngày công… để thi công các công trình hạ tầng như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa. Trong khi đó, ở một số huyện nghèo thì việc huy động sức dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng gặp không ít khó khăn. Có nhiều nguyên nhân để lý giải như: do thu nhập của người dân chưa cao; công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chưa tốt; còn tâm lý trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước… Song thiết nghĩ, còn một nguyên nhân ít được đề cập tới đó là chính quyền địa phương chưa có chính sách hỗ trợ thiết thực nên chưa khuyến khích, thu hút được người dân cùng tham gia, trong khi các công trình hạ tầng thiết yếu thường có chi phí rất lớn, nếu chỉ mình nhân dân đóng góp thôi thì chưa đủ.

XDNTM là một chương trình lớn, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân cũng phải chung tay góp sức, không chỉ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, có những tiêu chí cần nguồn vốn lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhân dân vẫn cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thì việc “chung tay, góp sức” mới mang lại hiệu quả như mong đợi.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.