Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp taxi "khan" tài xế

09:43, 28/12/2016

Nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của người dân trong việc đi lại, một số doanh nghiệp (DN) vận tải bằng taxi đã đầu tư, mua sắm phương tiện, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, các DN taxi đang phải đối mặt với thực trạng “khan hiếm” tài xế.

Là một đơn vị đã tạo dựng được thương hiệu taxi trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh CTCP Tập đoàn Mai Linh tại Đắk Lắk đang phải đối mặt với thực trạng thiếu hụt số lượng tài xế trầm trọng. Mai Linh hiện có 330 xe, trong đó xe tư nhân góp vào 270 chiếc, còn lại 59 chiếc của doanh nghiệp. Với 59 đầu xe, theo quy định của Bộ GTVT, doanh nghiệp phải tuyển dụng được 100 lái xe, nhưng hiện tại đơn vị chỉ có 70 tài xế, thiếu 30 người. Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty, nguyên nhân chính là do mất cân bằng giữa cung – cầu dẫn đến doanh thu đạt thấp, nghề này khó thu hút lao động. Trong khi đó, do đặc thù ở các tỉnh Tây Nguyên, khi đến mùa thu hoạch cà phê, có khá nhiều tài xế xin nghỉ việc lái xe để về lo việc nương rẫy. Trước thực trạng đó, Mai Linh đã cử nhân viên đến tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh thông báo số lượng tuyển dụng, dán các thông báo trên tất cả xe Mai Linh, nhưng cũng không mấy khả quan. Đặc biệt, DN cũng đưa ra một số chính sách ưu đãi như hỗ trợ một phần tiền ăn, nhà trọ trong 3 tháng đầu tiên đối với tài xế mới và phối hợp với các Trường đào tạo nghề, Trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh thông báo tuyển dụng, nhưng không “ăn thua”.

Taxi dừng chờ khách gần khu vực Trung tâm siêu thị Co.oopMart Buôn Ma Thuột.
Taxi dừng chờ khách gần khu vực Trung tâm siêu thị Co.oopMart Buôn Ma Thuột.

Thực trạng khan hiếm tài xế cũng là vấn đề nan giải đối với Chi nhánh CTCP Sun taxi tại Đắk Lắk. Là một DN mới mở rộng thị trường tại Đắk Lắk từ cuối tháng 5-2015, ban đầu Sun taxi có 60 đầu xe (100% xe của DN), nhưng do không tuyển dụng được tài xế, đến tháng 11 DN phải chuyển 10 xe về Vũng Tàu, đầu tháng 12 lại tiếp tục chuyển 5 xe về Kon Tum. Thời điểm hiện tại, DN chỉ có 74 tài xế, trong khi đó theo quy định, với 45 phương tiện thì phải có ít nhất 90 lái xe. Mấy tháng nay, đơn vị cũng đang ráo riết thông báo tuyển dụng trên Websize của Công ty, dán thông báo trên xe, tuyển dụng với số lượng lớn, nhưng vẫn không “lần” ra tài xế. Ông Huỳnh Đức Hoàng, Phó giám đốc Chi nhánh cho biết, phần lớn tài xế mới vào nghề đều không có “mối” quen, đường sá lại chưa thuộc nên doanh thu thấp, được một thời gian nản nên bỏ cuộc.

Thực tế, để trở thành một tài xế taxi không quá khó khăn, người lao động chỉ cần có giấy phép lái xe hạng B2, đủ điều kiện sức khỏe, giấy chứng nhận hành nghề của đơn vị tuyển dụng… Tuy nhiên, nghề này cũng đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm và áp lực giao khoán. Đối với những tài xế có xe riêng áp lực mức khoán phần nào giảm nhiệt, bởi hằng tháng lái xe chỉ phải trả khoản tiền từ 1,8 đến 2 triệu đồng (tùy thuộc vào mức khoán của mỗi đơn vị vận tải) tiền thương hiệu, tiền dịch vụ do DN cung cấp… Nghĩa là, với xe của mình, ngoài số tiền đóng hằng tháng, tài xế hoàn toàn tự chủ về nguồn thu nhập của mình. Còn đối với các tài xế chạy xe của DN, mức khoán khá “nặng” nên ít ai mặn mà, thường chỉ làm một thời gian để lấy kinh nghiệm. Anh Phạm Quang Hiếu, trước đây là tài xế của một hãng taxi trên địa bàn tỉnh cho hay, với mức giao khoán cao, trừ mức khoán xong, có tháng thu nhập của anh chỉ được 2-3 triệu đồng, không đủ các chi phí cho cá nhân, chứ chưa nói đến việc nuôi con cái. Anh tính đang gom tiền, mượn thêm người thân một ít nữa, mua một chiếc 4 chỗ rồi xin gia nhập vào một hãng taxi nào đó chứ không chạy xe công ty.

Ngoài nguyên nhân áp lực mức khoán, mức thu nhập không hấp dẫn, nhiều mối nguy hiểm luôn rình rập đối với cánh tài xế taxi. Anh Tuấn, một tài xế có thâm niên chạy taxi 5 năm chia sẻ, có nhiều lần chạy xe vào ban đêm, gặp đối tượng say xỉn, hỏi địa chỉ thì lòng vòng chỉ chỗ này đến chỗ kia, khi đòi tiền còn to tiếng, thậm chí còn nôn ói từa lưa trên xe. Đã không ít lần anh phải “móc” tiền túi để bù cho những trường hợp đó. Chưa kể, khi gặp hành khách là thành phần của xã hội đen, không những không thu được tiền, cánh tài xế còn bị đe dọa, nguy hiểm đến tính mạng.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.