Gà thả vườn - sản phẩm chiến lược trong gia nhập TPP
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với mục tiêu tiến tới xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam, nhất là đối với ngành chăn nuôi còn nhiều yếu kém. Tuy nhiên, vẫn có những đánh giá lạc quan khi cho rằng gà thả vườn chính là sản phẩm có nhiều lợi thế cạnh tranh để gia nhập TPP.
Sản phẩm lợi thế
Hiện Việt Nam xếp thứ 21 về các quốc gia sản xuất thịt gia cầm trên thế giới và là nước có tổng đàn vịt đứng thứ 2 trên thế giới. Năm 2014, tổng đàn gia cầm cả nước đạt hơn 328 triệu con. Theo PGS.TS Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, gà thả vườn là sản phẩm có ưu thế cạnh tranh với gà ngoại nhập hơn cả vì phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam (từ trước đến nay người Việt vẫn quen dùng thực phẩm gia cầm tươi sống, ít dùng thịt đông lạnh), tuy thời gian nuôi kéo dài hơn nhưng chất lượng thịt thơm ngon, giá thành lại thấp hơn do được sử dụng nguồn thức ăn sẵn có (ít sử dụng cám công nghiệp), đồng thời chuồng trại đơn giản hơn và giá bán lại cao hơn gà công nghiệp… Hiện nay, sản phẩm thịt gà công nghiệp của cả nước chỉ đạt khoảng 3-4 nghìn tấn, trong khi gà thả vườn đạt khoảng 500 - 600 nghìn tấn, cho thấy gà thả vườn vẫn chiếm ưu thế trong tiêu dùng ở trong nước, đây chính là ưu thế cạnh tranh quan trọng trong sản phẩm thịt gia cầm hiện nay. Tại Đắk Lắk, năm 2015 tổng đàn gia cầm đạt khoảng 9 triệu con, trong đó đàn gà chiếm 85%, chủ yếu là gà thịt (gà thịt công nghiệp chiếm trên 24% tổng đàn gà thịt). Mặt khác, Đắk Lắk có nhiều lợi thế để phát triển gà thả vườn bởi nguồn nguyên liệu thức ăn dồi dào, với 650.000 tấn ngô/năm, chất bột trên 600.000 tấn/năm, cám gạo 45.000 tấn/năm, đậu tương 10.000 tấn/năm… có thể đáp ứng tốt nhu cầu thức ăn chăn nuôi tại chỗ.
Nuôi gà thả vườn quy mô nông hộ ở huyện Ea Kar. |
Viện Chăn nuôi Việt Nam cũng xác định, trước sức ép hội nhập trong lĩnh vực chăn nuôi thì gà thả vườn chính là một trong những sản phẩm chiến lược, có nhiều lợi thế cạnh tranh nhất, vấn đề là chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm… để có thể cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại. Dự báo, ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm chuẩn bị để hội nhập TPP, đây là cơ hội vàng để đẩy nhanh tái cơ cấu, nhanh chóng tổ chức lại sản xuất.
Cần tổ chức, sắp xếp lại sản xuất
Mặc dù đã xác định được sản phẩm chiến lược trong sân chơi TPP nhưng ngành chăn nuôi vẫn cần nỗ lực để vượt qua những thách thức, hạn chế nội tại trong quá trình phát triển. Trên thực tế ngành chăn nuôi Đắk Lắk cũng như cả nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: hệ thống văn bản quản lý còn thiếu hoặc không phù hợp; năng suất, chất lượng con giống thấp; chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường; giá cả phụ thuộc vào thương lái; hiệu quả chăn nuôi chưa cao… Điều đáng nói là trong những hạn chế nêu trên, vấn đề đáng lo lắng nhất chính là liên kết sản xuất, đây là khâu yếu nhất trong phát triển chăn nuôi. Ở các vùng chăn nuôi phát triển, phần lớn các hộ, cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi đều thiếu liên kết sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa, đặc biệt là chăn nuôi gà thả vườn. Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về vấn đề liên kết chưa cao, thêm vào đó chưa có chính sách phù hợp, cụ thể và đồng bộ để khuyến khích và hỗ trợ các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến chế biến và thị trường. Đã có một số mô hình liên kết khép kín trong chăn nuôi song chưa đủ sức khâu nối các chuỗi liên kết trong một khu vực để xây dựng một chuỗi giá trị hàng hóa về sản phẩm chăn nuôi từ giết mổ, chế biến, bảo quản, tồn trữ và tiêu thụ ở cấp vùng. PGS.TS Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, để cạnh tranh với các sản phẩm gia cầm của những nước trong Hiệp định TPP, nhất là về sản phẩm gà thả vườn trước tiên phải tổ chức lại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quản lý tốt từ khâu đầu vào cho đến đầu ra nhằm nâng cao chất lượng thịt và bảo đảm các yếu tố kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm; từng bước liên kết các hộ chăn nuôi thông qua các HTX. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả việc liên kết, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa đối với gà thả vườn, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến liên kết với các HTX nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp chế biến, đồng thời ổn định giá cả, đầu ra và hạ được giá thành sản phẩm chăn nuôi… Nhiều chuyên gia cũng nhận định, nếu có chính sách ưu đãi để hỗ trợ về vay vốn, thuế đất đai, đầu tư thiết bị giết mổ, bảo quản; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết trong chăn nuôi gà thả vườn, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng cao, tạo nền tảng cho công nghiệp giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi phát triển bền vững.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc