Multimedia Đọc Báo in

Nhiều trăn trở về những khó khăn của doanh nghiệp

09:23, 07/12/2015
Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VIII, bên cạnh việc thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, nhiều đại biểu cũng bày tỏ những trăn trở, băn khoăn khi hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong khi đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào nguồn ngân sách của tỉnh cũng như giải quyết việc làm cho người lao động.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước thích ứng với nền kinh tế thị trường, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động phát huy những lợi thế, tìm kiếm và mở rộng thị trường; một số đã tiếp cận và sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Trong năm 2015, số doanh nghiệp thành lập tăng đáng kể so với số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Hiện toàn tỉnh có 6.451 doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh còn hoạt động; số chi nhánh còn hoạt động là 976. Tuy nhiên đại biểu Lê Đình Hiền (Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh) cho rằng đa số doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có doanh nghiệp thực sự đóng vai trò tạo cú hích, sức bật cho doanh nghiệp khác. Đắk Lắk có điều kiện về sản xuất giống cây trồng vật nuôi, nguyên liệu để chế biến thức ăn gia súc dồi dào, thị trường rộng mở nhưng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này chưa nhiều. Minh chứng là một số nông sản như đậu, ngô, nông dân sản xuất ra rồi được đưa đi các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương để chế biến sau đó doanh nghiệp Đắk Lắk nhập lại, điều này sẽ dẫn đến giá thành “đội” lên do tăng chi phí vận chuyển.

Một  doanh nghiệp  sản xuất tôn tại Cụm  Công nghiệp  Tân An  (TP. Buôn  Ma Thuột).
Một doanh nghiệp sản xuất tôn tại Cụm Công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột).

Thu hút đầu tư là mục tiêu, nhiệm vụ rất quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cao. Tuy nhiên trong lĩnh vực này, việc triển khai thực hiện còn có những bất cập, lúng túng. Việc thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển chưa thực sự hấp dẫn. Đó là do những rào cản về giá thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đấu thầu, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các ngành. Đại biểu Lê Đình Hiền đơn cử: Ngày 16-6-2015, UBND tỉnh có tổ chức một buổi đối thoại với các nhà đầu tư về lĩnh vực y tế; kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tham mưu về chính sách miễn giảm, tuy nhiên đến nay đã 6 tháng doanh nghiệp vẫn chưa nhận được thông tin quyết định về vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thị Cẩm (huyện Ea Kar) kiến nghị cần có quy định về sự phối hợp, thống nhất trong nội dung thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh để tránh sự trùng lặp, chồng chéo, gây phiền hà, mất thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi đề cập đến loại hình doanh nghiệp Nhà nước, những khó khăn của Công ty TNHH Một thành viên Cao su Đắk Lắk như tình trạng đang mất khả năng thanh khoản, bắt đầu nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ tiền chế độ cho người lao động cũng được đại biểu Trần Tuấn Anh (Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh) phản ánh để UBND tỉnh và các ngành có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Liên quan đến nội dung này, để tạo sức hút đầu tư đối với doanh nghiệp, trong báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Ban Kinh tế và Ngân sách - HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn sớm khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư; rà soát và xem xét lại đơn giá cho thuê đất; ban hành các danh mục kêu gọi đầu tư phù hợp với quy hoạch và cung cấp thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư; ban hành quyết định miễn giảm tiền thuê đất cho lĩnh vực xã hội hóa y tế, giáo dục, văn hóa… Bàn về giải pháp, một số đại biểu đề xuất ý kiến: để đẩy mạnh thu hút đầu tư, UBND tỉnh nên định kỳ tổ chức đối thoại với nhà đầu tư, có thể 3 tháng 1 lần, chủ trì là đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh; có sự phân công và công khai số điện thoại của đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh được giao phụ trách để có sự nắm bắt sâu sát và chỉ đạo xuyên suốt. Trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, cần có sự theo dõi, thường xuyên rà soát, đánh giá để có những biện pháp chỉ đạo kịp thời. Trong nội dung giải trình, làm rõ thêm một vấn đề đại biểu chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho biết, theo kế hoạch hằng năm UBND tỉnh đều tổ chức gặp mặt và đối thoại với doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBND tỉnh sẽ quan tâm đến việc tổ chức những hội nghị chuyên đề; chỉ đạo các sở, ngành tham mưu rà soát, cắt giảm những thủ tục không cần thiết để thu hút đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của cả 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc