Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp Đắk Lắk bao giờ được tiếp cận?
Có nhiều lợi thế
Theo Quyết định số 601/QĐ-TTg, mục đích của Quỹ phát triển DNNVV nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động. Quỹ ưu tiên cho vay đối với DN có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh thuộc một trong các ngành kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Mức vốn cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án đó (không bao gồm vốn lưu động) nhưng không quá 30 tỷ đồng. Thời hạn cho vay được xác nhận phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của người vay và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh nhưng tối đa không quá 7 năm. Trường hợp đặc biệt, đối với những dự án có chu kỳ sản xuất dài, cần thời hạn vay vốn lớn hơn, Quỹ báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định thời hạn cho vay nhưng không quá 10 năm. Lãi suất cho vay không vượt quá 90% mức lãi suất cho vay thương mại. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 6.451 DN, hợp tác xã còn hoạt động, trong đó hầu hết được xếp vào diện DNNVV (dựa theo tiêu chí quy mô tổng nguồn vốn và tổng số lao động). Theo những quy định trên, DN tại Đắk Lắk có nhiều lợi thế để tiếp cận Quỹ này. Ít nhất là ở quy định về các nhóm lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm lĩnh vực hoạt động chủ yếu và luôn là thế mạnh của DN Đắk Lắk.
Tham quan dây chuyền chế biến cà phê ướt cụm nông hộ của Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền. Ảnh: Minh Thông |
Cần có chính sách khai thông
Lý thuyết là thế, nhưng theo đại diện một DN cho biết, Quỹ phát triển DNNVV "nghe có tiếng nhưng không có miếng". Bởi bản chất của Quỹ là bảo lãnh nhưng lại sợ mất vốn, xét duyệt còn chặt hơn cả hồ sơ tín dụng gửi cho ngân hàng. Do vậy DN thà đến gõ cửa ngân hàng chứ không muốn “bám” vào Quỹ này với những thủ tục rườm rà, quá chặt chẽ đến mức thiếu tính khả thi. Thực tế cũng đã chứng minh điều này. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Lắk Dương Thanh Tương cho biết, từ khi Quỹ phát triển DNNVV ra đời đến nay, chưa có DN nào của tỉnh tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này. Theo ông Dương Thanh Tương, tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN Đắk Lắk hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh những nguyên nhân như quản trị kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… thì vấn đề khó tiếp cận nguồn vốn vay luôn là nỗi lo thường trực của các DN. Muốn “dễ” tiếp cận hơn thì tỉnh phải thành lập Quỹ phát triển DNNVV của địa phương. Về vấn đề này, ông Dương Thanh Tương cho biết, Trung ương đã chỉ đạo tỉnh phải sớm thành lập Quỹ phát triển DNNVV của địa phương và Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Lắk cũng đã nhiều lần đề xuất nhưng đến nay ngân sách của tỉnh chưa cho phép thực hiện. Trong khi tỉnh chưa thành lập được, Trung ương chưa phân bổ thì DNNVV của Đắk Lắk vẫn chỉ có thể trông chờ vào nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại.
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền. |
Bản chất cốt lõi của Quỹ phát triển DNNVV là nhằm giải quyết “cơn khát” vốn của DN. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi tín dụng thực sự nếu những DN chứng minh được các nguồn thu để trả nợ. Mặt khác, cần xúc tiến cho vay thông qua tín chấp, đánh giá hiệu quả và lợi nhuận của các dự án đầu tư để cấp vốn.
Vốn điều lệ của Quỹ phát triển DNNVV do ngân sách Nhà nước cấp là 2 nghìn tỷ đồng. Quỹ hoạt động theo mô hình tổ chức tài chính Nhà nước, thực hiện nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn. Quỹ có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giao, nguồn vốn trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật Việt Nam để tạo nguồn vốn hỗ trợ tài chính cho DNNVV thông qua phương thức ủy thác cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng thương mại, thực hiện theo nguyên tắc các ngân hàng tự quyết định cho vay và chịu rủi ro tín dụng đối với các dự án cho vay. |
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc