Thách thức trong thực hiện giảm nghèo bền vững (Kỳ I)
Trong giai đoạn 2011-2015, dù đã nỗ lực thực hiện nhưng Đắk Lắk vẫn chưa đạt mục tiêu giảm 3% hộ nghèo/năm để đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,82% như kế hoạch đã đề ra. Thực trạng này đang đặt ra những thách thức không nhỏ trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Kỳ I: Khó khăn từ thực tiễn
Những khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi; nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn hạn chế, một bộ phận người dân chưa thực sự quyết tâm thoát nghèo… là những nguyên nhân khiến tỷ lệ giảm nghèo không đạt mục tiêu đề ra.
Mối lo phát sinh nghèo và tái nghèo
Gia đình ông Y Kim Niê ở buôn Cư Ana Săn (xã Ea Sô, huyện Ea Kar) có 3 ha đất trồng đậu, bắp, nhưng do không có vốn đầu tư, việc tưới tiêu lại phụ thuộc vào “nước trời” nên rất bấp bênh, năm được mùa cũng tạm đủ ăn, năm hạn hán, mất mùa thì 8 nhân khẩu thiếu đói triền miên. Cuộc sống khó khăn, các con của ông đều nghỉ học sớm để đi làm thuê hoặc nhận hạt điều về nhà bóc vỏ kiếm được 4.000 – 5.000 đồng/kg thêm tiền mua gạo. Ông Y Kim bộc bạch: “Gia đình tôi đã nằm trong danh sách hộ nghèo của buôn gần chục năm nay. Thiếu vốn, vật tư, nước tưới nên chỉ sản xuất cầm chừng, được chăng hay chớ, không biết đến bao giờ mới thoát được hộ nghèo”. Qua tìm hiểu được biết, buôn Cư Ana Săn có 37 hộ nhưng có đến 22 hộ nghèo (chiếm gần 60%), đời sống của người dân rất khó khăn do đất canh tác ít, một số hộ phải đi xâm canh ở địa phương khác. Hơn nữa, nước sinh hoạt cũng khan hiếm chưa nói đến nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, cái nghèo cứ mãi đeo đẳng. Trao đổi về công tác giảm nghèo trên địa bàn, ông Nguyễn Thế Thủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã có 10 thôn, buôn, trong đó có 5 thôn, buôn tỷ lệ hộ nghèo chiếm từ 30 – 60%. Mặc dù thời gian qua, từ các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo; các ngành hữu quan, hội, đoàn thể cũng đã vào cuộc xây dựng các mô hình giảm nghèo góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nhưng do cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển đồng bộ; thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài lại chưa có công trình thủy lợi, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vẫn ở mức cao, chiếm 24,6%”.
Các thành viên trong gia đình ông Y Kim Niê ở buôn Cư Ana Săn (xã Ea Sô, huyện Ea Kar) nhận hạt điều về bóc vỏ kiếm thêm thu nhập. |
Là một trong những hộ nghèo của thôn 18 (xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk) nên gia đình chị Đàm Thị Lưu đã nhận được nhiều sự trợ giúp như vay tổng cộng 18 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà theo chương trình 167, phát triển chăn nuôi, còn được hỗ trợ 1 con bò, nhưng mãi vẫn chưa thể thoát nghèo. “Nhà không có ruộng rẫy gì, chồng mắt kém, sức khỏe yếu nên ít người thuê làm việc. Nguồn thu nhập hằng tháng không có, để lo cho mẹ già và 2 con nhỏ đã chật vật, nói gì đến chuyện thoát nghèo”, chị Lưu than thở. Gia đình chị Lưu là 1 trong số 464 hộ nghèo (chiếm 31,08% dân số) của xã Cư M’ta – xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện M’Đrắk và nằm trong 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh. Trao đổi về công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, ông Hòa Quang Khiêm, Phó Bí thư Huyện ủy thẳng thắn nhìn nhận: “Tuy công tác giảm nghèo của huyện đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 33,29% năm 2011 xuống còn 17,12% cuối năm 2014 nhưng công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới còn cao”.
Chưa phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), từ năm 2011 đến nay, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được một số kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng vẫn không đạt mục tiêu giảm 3%/năm như kế hoạch đề ra, thậm chí lại đang thấp dần theo từng năm: năm 2011 và năm 2012 tỷ lệ giảm nghèo bình quân 3,07%/năm nhưng đến năm 2013 chỉ giảm 2,4% và năm 2014 giảm 2,24%. Riêng trong năm 2013, không có địa phương nào đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra về công tác giảm nghèo và hầu hết đều giảm thấp, như huyện Ea Súp chỉ đạt 2,2% so với kế hoạch. Đặc biệt so với đầu năm, có 26 xã, phường, thị trấn số hộ nghèo tăng lên; có 105 xã, phường, thị trấn số hộ cận nghèo tăng lên. Kết quả này cho thấy, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chưa thực sự bền vững. Tại nhiều địa phương, mặc dù người dân đã nhận được nhiều trợ lực từ các chương trình, dự án giảm nghèo nhưng vẫn chưa thể thoát nghèo bền vững mà chỉ chuyển từ hộ nghèo sang cận nghèo, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, bấp bênh, chỉ cần một biến cố nhỏ sẽ lại tái nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Gia đình chị Đàm Thị Lưu ở thôn 18 (xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk) được hỗ trợ bò từ chương trình giảm nghèo. |
Ông Nguyễn Văn Đàn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, những năm qua, Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo như: vay vốn tín dụng ưu đãi, khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, xây dựng các mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nước sạch… cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Tuy các chính sách giảm nghèo được ban hành nhiều nhưng chưa đầy đủ, toàn diện và chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện. Hơn nữa, một số chính sách giảm nghèo còn tồn tại những bất hợp lý như: đối tượng hỗ trợ mang tính dàn trải và đồng đều giữa các địa bàn; mức hỗ trợ thấp, đa phần mang tính hỗ trợ về an sinh xã hội. Các chính sách hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo và các chính sách giảm nghèo đặc thù, phù hợp với vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn ít. Cũng theo đánh giá của Sở LĐTBXH, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh không đạt mục tiêu đề ra là do nguồn vốn vay khá nhiều (tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ các chương trình cho vay hơn 3 nghìn tỷ đồng) nhưng thời gian vay ngắn nên hiệu quả sử dụng chưa cao, nhiều đối tượng sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích. Ngoài ra, một bộ phận người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự quyết tâm vươn lên, thậm chí không muốn thoát nghèo để được hưởng chính sách trợ giúp của Nhà nước. Thêm vào đó, hiện nay số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất còn rất lớn (khoảng 9.000 hộ) nhưng việc thu hồi đất của các doanh nghiệp để cấp cho các hộ dân theo chủ trương của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn và không khả thi. Một số dự án định canh, định cư đã được phê duyệt từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện xong do nguồn vốn phân bổ chậm và thiếu so với thực tế. Không những vậy, nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo còn hạn chế, chủ yếu là ngân sách Trung ương, vốn lồng ghép, kinh phí của tỉnh bố trí cho công tác giảm nghèo quá ít so với Nghị quyết của HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh đề ra, đặc biệt là tại 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Hơn nữa, càng về những năm sau của giai đoạn, giảm nghèo càng khó khăn hơn do phần lớn những hộ còn lại là những hộ đặc biệt khó khăn, thuộc diện già cả, neo đơn, có người tàn tật, không có sức lao động…
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc