Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên Ea Phê xung kích phát triển kinh tế

10:53, 04/12/2015

Hưởng ứng phong trào “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo”, những năm qua, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) luôn ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tham quan mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật hoang dã được xây dựng bài bản của gia đình anh Nguyễn Văn Thủy, ĐVTN Chi đoàn thôn Phước Thọ 1, xã Ea Phê, ít ai biết được, khi trước đây chỉ là một mảnh đất khô cằn, hoang hóa. Gia đình anh Thủy có khoảng 1 ha đất trồng lúa một vụ, nhưng do đất đá sỏi, lại dốc nên năng suất không cao. Nhà đông con, thu nhập từ lúa nước không đủ trang trải sinh hoạt nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành chăn nuôi thú y vào năm 2008, anh Thủy về địa phương tham gia sinh hoạt Đoàn và được dự các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do Đoàn xã tổ chức. Thấy nhiều ĐVTN làm giàu thành công từ các mô hình kinh tế đơn giản, anh Thủy mạnh dạn phá bỏ toàn bộ diện tích lúa một vụ để chuyển sang chăn nuôi. Ban đầu anh nuôi gà, vịt, heo với số lượng vừa phải, sau đó xây dựng thêm lò ấp trứng phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi của người dân trong vùng. Sau khi đã có một nguồn vốn nhất định anh Thủy tìm hiểu về cách chăm nuôi động vật hoang dã và bắt tay vào nuôi rắn hổ mang, rắn hổ trâu. Được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng quản lý động vật hoang dã, anh Thủy tiến hành gây nuôi khoảng 1.000 con rắn. Với giá thành 650.000 - 700.000 đồng/kg đối với rắn hổ mang và 500.000/kg với rắn hổ trâu thương phẩm, hằng năm thu nhập từ nuôi rắn của anh Thủy khoảng 200 triệu đồng. Với 5 sào đất trũng trồng trọt không có hiệu quả, anh mạnh dạn đầu tư chuyển đổi thành ao nuôi cá. Ngoài ra, anh còn nuôi trên 100 con dê, thỏ, kỳ đà... các loại, cho thu nhập trên 100 triệu đồng; sau khi đã trừ chi phí, thu nhập bình quân hằng năm của gia đình anh Thủy lên tới trên 300 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Thủy, ĐVTN Chi đoàn thôn  Phước Thọ 1, xã Ea Phê đang nuôi hơn 1.000 con rắn hổ mang và hổ trâu.
Anh Nguyễn Văn Thủy, ĐVTN Chi đoàn thôn Phước Thọ 1, xã Ea Phê đang nuôi hơn 1.000 con rắn hổ mang và hổ trâu.

 Rời trang trại chăn nuôi của gia đình anh Thủy, chúng tôi tham quan mô hình trồng rau, củ, quả của anh Ngô Đình Quyền, Bí thư chi đoàn thôn Phước Thọ 2. Trước đây, gia đình anh Quyền vốn là đại lý thu mua nông sản, rau, củ, quả tại địa phương nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2013, anh Quyền tham gia các hội thảo khoa học giống cây trồng, rồi cùng người dân địa phương nghiên cứu, phân tích chất đất. Nhận thấy đây là vùng đất sỏi đen, phù hợp trồng rau, củ, anh Quyền chủ động liên hệ với Hiệp hội giống cây trồng Miền Nam và nhiều đơn vị cung cấp giống cây trồng để chọn giống cây phù hợp. Cùng với đó, anh tìm hiểu các thị trường có đầu ra ổn định để liên kết kinh doanh, đồng thời nghiên cứu trồng giống cây theo mùa để đạt năng suất tối đa. Để người dân yên tâm sản xuất, toàn bộ kỹ thuật trồng trọt đều được các nhà cung cấp giống, các kỹ sư nông nghiệp tư vấn. Sau gần 3 năm triển khai, từ quá trình thử nghiệm đến nuôi trồng thực tế, đến nay đã có hơn 60 hộ dân trong vùng được anh Quyền đầu tư vốn để trồng rau, củ với mức đầu tư  trung bình từ 10 triệu/sào với diện tích trồng khổ qua, dưa leo, bắp sú và 20 triệu đồng/sào với diện tích đất trồng bí, khoai lang… Đối với một số loại cây leo giàn như khổ qua, dưa leo, để tận dụng đất trống giữa các luống, anh Quyền hướng dẫn người dân trồng xen cải ngọt lấy ngắn nuôi dài với sản lượng 8-10 tấn/ha. Toàn bộ sản phẩm rau, củ, quả do các hộ dân được anh Quyền đầu tư vốn đều được bao tiêu đầu ra ổn định, nhờ đó nhiều gia đình đã ổn định kinh tế với mức thu nhập hằng trăm triệu đồng/năm.

Anh Ngô Đình Quyền (trái), Bí thư  chi đoàn thôn Phước Thọ 2, xã Ea Phê giới thiệu  mô hình trồng rau, củ, quả.
Anh Ngô Đình Quyền (trái), Bí thư chi đoàn thôn Phước Thọ 2, xã Ea Phê giới thiệu mô hình trồng rau, củ, quả.

Anh Lưu Văn Hòa, Bí thư Đoàn xã Ea Phê cho biết, hưởng ứng các phong trào phát triển kinh tế - xã hội do cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương phát động, Đoàn xã Ea Phê luôn tích cực phát huy vai trò nòng cốt của tuổi trẻ trong phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp, lao động sáng tạo; thường xuyên vận động ĐVTN chủ động tham gia xóa đói giảm nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương. Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn gắn với các hoạt động tư vấn nghề nghiệp và giới thiệu việc làm, Đoàn xã đã chủ động phối hợp với các ban, ngành chuyên môn của huyện, của tỉnh tổ chức hơn 30 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở 10 lớp đào tạo nghề trồng nấm, thú ý, nông cơ, may dân dụng, tin học văn phòng cho thanh niên nông thôn. Tính từ năm 2011 đến nay, Đoàn xã Ea Phê đã giới thiệu việc làm cho hơn 400 ĐVTN tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Đoàn xã còn nhân rộng các mô hình kinh tế trong thanh niên như: câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi, tổ đổi công giúp việc, … tạo môi trường thuận lợi để thanh niên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay trên quê hương mình…

 Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc