Thoát nghèo nhờ nuôi dê luân chuyển
Ông Hoàng Thế Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Nuôi dê sinh sản từ lâu đã được đánh giá là mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, chi phí chăn nuôi ít và cũng ít rủi ro. Đây là mô hình thích hợp có thể triển khai tại địa phương vì có điều kiện chăn thả tốt và có nguồn thức ăn chăn nuôi dồi dào. Tuy nhiên không phải hộ nông dân nào cũng có điều kiện đầu tư ban đầu. Năm 2009, được Hội Nông dân phường Tân Thành hỗ trợ 3 con dê mẹ, Hội Nông dân xã đã thành lập mô hình nuôi dê luân chuyển tại buôn Kbu để hỗ trợ hội viên dân tộc thiểu số nghèo. Sau 6 năm duy trì hoạt động, các hộ được chuyển giao dê giống đều đã được hưởng lợi”.
Bà H’El Niê chăm sóc đàn dê của gia đình. |
Gia đình bà H’El Niê là hộ đầu tiên được bình xét cho nuôi dê. Hiện nay, đàn dê của gia đình bà luôn duy trì khoảng 10 con dê mẹ. Bà H’El cho biết: “Dê là con vật dễ nuôi, thức ăn là loại cây có sẵn ở địa phương như cây keo, dâm bụt… Hơn nữa, nuôi dê rủi ro thấp, chỉ cần bảo đảm chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát thì sẽ tránh cho dê bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài. Ngoài ra, nguồn phân dê có thể dùng để bón cho cây cà phê. Dê con được nuôi 6 tháng thì có thể xuất chuồng, cân nặng trung bình khoảng 25 - 30kg và bán với giá 105.000 – 120.000 đồng/kg. Năm 2013, nhờ bán đàn dê 20 con mà gia đình tôi có thêm điều kiện xây dựng ngôi nhà mới thay thế cho ngôi nhà cũ đã xuống cấp”.
Cùng ở buôn Kbu, năm 2012, gia đình anh Y Kut Niê được chuyển giao đàn dê giống. Anh Y Kut chia sẻ: “Lúc được nhận dê cả gia đình ai cũng mừng. Nhà có 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào thu nhập từ 3 sào cà phê nên không mấy dư giả. Được tham gia mô hình nuôi dê luân chuyển, tôi có điều kiện tích góp vốn đầu tư cải tạo lại vườn cà phê của gia đình. Sau 3 năm nuôi dê, tôi còn mua thêm được 2 con bò mẹ để phát triển chăn nuôi.
Với thu nhập bình quân 70 triệu đồng/năm, gia đình đã vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo của xã”. Vừa được luân chuyển con giống từ tháng 6 năm nay, gia đình anh Y Sen Bkrông thường xuyên được cán bộ Hội Nông dân xã về thăm, kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn dê. Anh Y Sen bộc bạch: “Lúc tôi nhận đàn có 2 con dê mẹ đang mang thai và hiện nay đã có thêm 2 con dê con. Nếu không có việc gì cần thiết phải bán đi, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng đàn dê để phát triển kinh tế như những hộ gia đình trước”.
Mô hình nuôi dê luân chuyển đang phát huy hiệu quả tích cực, giúp tận dụng các sản phẩm phụ từ trồng trọt và giải quyết tốt vấn đề về vốn làm ăn cho nông dân nghèo. Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và vận động các hộ tham gia mô hình làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ từ khâu làm chuồng trại đến phòng chống dịch bệnh cho đàn dê cũng như kỹ thuật nuôi nhốt. Ông Hoàng Thế Khương cho biết thêm, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng hình thức hỗ trợ giống chăn nuôi luân chuyển xoay vòng sang các thôn khác trên địa bàn để giúp được nhiều gia đình hội viên, nông dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc