Multimedia Đọc Báo in

Tiểu thương e dè dự trữ hàng Tết

08:54, 08/12/2015

Tết Nguyên đán Bính Thân đang đến gần nhưng tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột không dám mạnh dạn dự trữ lượng lớn hàng Tết như mọi năm.

Chợ  ế

Tết Nguyên đán được coi là vụ kinh doanh lớn nhất trong năm, nhiều tiểu thương kỳ vọng, sức mua dịp này sẽ tăng cao, doanh số bán ra lớn để bù vào những tháng ế ẩm trước đó; thế nhưng năm nay, tình hình không như  mọi năm.

Thời điểm này, không khí mua sắm tại các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột khá trầm lắng. Tại nhiều quầy hàng, không khó để bắt gặp hình ảnh các tiểu thương ngồi bó gối ngóng người mua, chợ khá vắng khách còn người bán tỏ ra ngán ngẩm vì ế ẩm. Chị Trần Kim Chi, tiểu thương bán hàng khô tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, chợ chỉ nhộn nhịp chút buổi sáng vào hai ngày cuối tuần còn lại khá vắng vẻ, người đi dạo xem hàng nhiều hơn là để đi mua sắm… Thông thường, ngành hàng may mặc, giày dép là địa điểm đón khách sắm Tết sớm nhất, thế nhưng hiện không khí mua sắm ở ngành hàng này cũng không mấy sôi động. Dù nhập về lượng hàng hóa khá phong phú, mẫu mã đa dạng nhưng quầy giày dép của anh Ngô Quang Hưng tại khu B, chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột vẫn thưa thớt khách. Anh cho hay, sức mua tụt dốc không ngờ, hiện đã giảm khoảng 50% so với ngày bình thường dù giá hàng hóa vẫn giữ nguyên.

Khách chọn mua giày dép tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Khách chọn mua giày dép tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Tại các chợ khác trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như Tân Thành, Tân An… hàng hóa bày bán đủ loại, đủ kiểu mẫu, trưng bày bắt mắt nhưng người mua cũng chỉ tính trên đầu ngón tay, đi đến đâu cũng nghe tiểu thương kêu ca “chợ ế, kinh doanh khó”.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân là do đang bước vào vụ thu hoạch cà phê, người dân tập trung giảm bớt thời gian đi dạo chợ, một phần do hiện trên địa bàn thành phố có thêm nhiều kênh mua sắm như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đêm (mở cửa hoạt động khá sớm, từ lúc 17 giờ) cạnh tranh bằng các chương trình ưu đãi hấp dẫn nên đã chia nhỏ khách đến với chợ.

Tiểu thương dè chừng trữ hàng tết

Trong khi các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đang rục rịch dự trữ nguồn hàng tết dồi dào thì trái lại, tiểu thương tại các chợ truyền thống lại tỏ ra khá e dè dự trữ hàng để bán Tết. Cảnh người bán nhiều hơn người mua khá phổ biến nên nhiều tiểu thương không dám nhập thêm hàng về bán mà chỉ cố tìm cách tiêu thụ số hàng có sẵn trong kho để khỏi găm vốn. Một chủ quầy quần áo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, mọi năm giờ này đã nườm nượp người đến chợ để mua quần áo mặc lạnh, nhất là hàng phục vụ mùa Nô-en và Tết Nguyên đán sắp tới, tuy nhiên, năm nay, hàng hóa vẫn được bày bán khá nhiều nhưng lại kén người mua.

Trên thực tế, sức mua hiện còn rất thấp và gần đây vẫn chưa thấy dấu hiệu cải thiện khiến nhiều tiểu thương tỏ ra phân vân trong việc nhập hàng về bán Tết. Chị Đặng Thị Ngọc Anh, chủ quầy quần áo lớn nhất, nhì tại khu C, chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, thời điểm này, việc bán lẻ chưa nhiều, chủ yếu vẫn là bán sỉ cho các mối hàng. Hàng trong kho của chị không thiếu thứ gì nhưng cũng thưa dần những lượt khách đến chợ. Thành ra, dịp Tết năm nay chị không dám dự trữ hàng nhiều như những năm trước. Tương tự, kinh doanh giày dép đã hơn 15 năm nay anh Hưng cho biết, đã gần bước sang tháng 11 âm lịch rồi mà tình hình mua bán vẫn chưa thật sự nhộn nhịp; mọi năm giờ này, mỗi ngày anh bán ra cũng đạt doanh số hơn 10 triệu đồng nhưng năm nay lại chưa bằng một nửa. Sức mua vẫn chưa hết ảm đạm nên với tình hình này, hiện anh chưa dám nhập thêm hàng về bán Tết.

Đa số các tiểu thương cho rằng, sau Nô-en tình hình có vẻ sẽ khả quan, khách đến chợ đông đúc hơn bởi lúc đó, mùa màng cơ bản đã thu hoạch  xong. Tuy nhiên, năm nay sức mua nhìn chung thấp nên tình hình tiêu thụ hàng hóa dịp tết vẫn rất khó dự đoán. Do đó, nhiều người cho biết, lượng hàng tết nhập về dự trữ để bán tết cũng sẽ dè chừng hơn, chỉ bằng khoảng 60% so với mọi năm.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.