Multimedia Đọc Báo in

Bức tranh kinh tế - xã hội Đắk Lắk giai đoạn 2011-2015: Những "gam màu" sáng rõ

09:48, 29/01/2016

Trong 5 năm qua (2011-2015), Đắk Lắk phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Song, nhìn chung bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn nổi lên những “gam màu” sáng rõ trong việc phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng… để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng trong giai đoạn tiếp theo.

Có thể nói giai đoạn 2011-2015 là thời kỳ khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp (DN) dân doanh ở Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. Nguồn lực đầu tư chững lại; thị trường không ngừng bị thu hẹp, hoặc phân khúc theo chiều hướng khó nắm bắt; đặc biệt chỉ số tiêu dùng không ngừng tụt dốc do chính sách “thắt lưng buộc bụng” được nhiều quốc gia áp dụng… Tất cả điều đó đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị ngưng trệ, thậm chí đóng cửa giải thể. Con số của Sở KH-ĐT đưa ra trong giai đoạn này cho thấy, từ hơn 7.000 DN dân doanh đã có trước đó nay giảm xuống gần 1/3 trong những năm 2011-2013. Thực tế này đòi hỏi chính quyền các cấp cùng ban, ngành liên quan phải nhanh chóng đưa ra quyết sách, bước đi phù hợp nhằm vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Một trong những giải pháp được cho là hiệu quả nhất trong giai đoạn này là sự nỗ lực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho người dân và các thành phần kinh tế có điều kiện tham gia phát triển, phục hồi nội lực.

Cơ chế một cửa và một cửa liên thông được áp dụng tại huyện Ea Kar  đã tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch cho người dân và DN.
Cơ chế một cửa và một cửa liên thông được áp dụng tại huyện Ea Kar đã tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch cho người dân và DN.

Chương trình CCHC Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 được xác định: Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị tại địa phương để không còn sự chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; Đổi mới cơ bản quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 100% cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương triển khai, áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông và nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành. Những mục tiêu đó được UBND tỉnh quán triệt và chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Nhờ vậy, đến đầu năm 2015, đã triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông tại 100% đơn vị hành chính; thực hiện mô hình một cửa điện tử tại 12/15 huyện, thị xã và thành phố cũng như một số sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh. Có thể nói, việc thực hiện tốt các mục tiêu CCHC đặt ra trong giai đoạn 2011-2015 đã giúp người dân và đặc biệt là khối DN giải quyết sự vụ một cách nhanh gọn, thông thoáng để triển khai, thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đồng thời mở rộng cánh cửa thu hút đầu tư vào Đắk Lắk. Từ những tác động tích cực, trực tiếp và mạnh mẽ này đã  tạo điều kiện cho khu vực kinh tế doanh dân “sống lại” và từng bước phục hồi nội lực đáng kể, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015.

Theo Sở KH-ĐT, đến nay tổng số DN hoạt động trên địa bàn tỉnh là gần 6.600 DN. Đặc biệt trong đó số DN dân doanh tăng khá nhanh, từ hơn 4.200 của những năm 2011-2012, đã tăng lên hơn 6.165 DN vào cuối năm 2015. Ngoài ra có có 976 chi nhánh và 232 văn phòng đại diện của các DN thuộc nhiều tỉnh, thành phố đăng ký hoạt động tại Đắk Lắk. Điều đáng nói hơn là số lượng DN không những tăng nhanh, mà năng lực và quy mô sản xuất, kinh doanh cũng được nâng lên. Vào những năm cuối của giai đoạn 2011-2015, đã có 10 DN Nhà nước đăng ký kinh doanh, đầu tư tại Lào và Campuchia với 6 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp - và đây là những “hạt nhân” tiên phong nhận lãnh “sứ mệnh” quan trọng nhằm không những mở rộng mối liên kết, hợp tác với các quốc gia trong khu vực, tạo sự ổn định, bền vững cho nền kinh tế - xã hội trong tỉnh phát triển và hướng đến việc mở rộng vùng nguyên liệu, thị trường lao động và thị phần xuất khẩu hàng hóa ngày càng nhiều hơn, mạnh mẽ hơn… nhằm tạo thế và lực mới cho Đắk Lắk trong giai đoạn phát triển tiếp theo, cũng như tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng sau này.        

Trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015 còn nổi bật về hoạt động xúc tiến, vận động viện trợ, đầu tư từ các tổ chức quốc tế, góp phần to lớn trong việc làm thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn và nâng cao năng lực xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Tại cuộc họp đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua, ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã ghi nhận: Nhờ có bước tiếp cận, vận động theo hướng chủ động hơn, nên số lượng các dự án đầu tư nước ngoài (chủ yếu là ODA) đã tăng lên rõ rệt. Trong giai đoạn này đã vận động được 45 dự án với tổng mức đầu tư 350 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực hạ tầng, giáo dục, y tế và giảm nghèo… Trong đó có 15 dự án đã triển khai với tổng mức đầu tư hơn 150 triệu USD. Ngoài ra, các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ cũng được chính quyền địa phương xúc tiến kêu gọi một cách hiệu quả và đa dạng hơn về hình thức cũng như quy mô đầu tư. Năm 2015 trên địa bàn tỉnh đã có 30 tổ chức phi chính phủ đang hoạt động (thông qua 30 khoản viện trợ), trong đó đã vận động thành công 1 dự án với quy mô tài trợ khá lớn từ Tổ chức AP/Mỹ (khoảng 13 triệu USD). Và sắp tới, số lượng chương trình, dự án cũng như quy mô tài trợ từ những tổ chức trên sẽ tăng lên đáng kể, tạo nguồn lực giúp Đắk Lắk tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Nhìn lại chặng đường khó khăn đã qua để tiếp tục phấn đấu, nỗ lực nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra trong những năm tới, trước mắt là trong năm 2016, đòi hỏi các cấp chính quyền, ban, ngành cần quyết liệt hơn nữa trong công tác CCHC, nhất là nội dung nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và DN khi tiếp cận với công việc có liên quan đến hành chính Nhà nước. Từ đó xác lập lòng tin cho mọi người đối với thể chế, tạo sự đồng thuận sâu sắc hơn nữa vì mục tiêu xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng kinh tế động lực của Tây Nguyên vào năm 2020.  

 Phương Đình


Ý kiến bạn đọc