Dồi dào hàng Tết
Thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) lớn trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị nguồn hàng khá phong phú để phục vụ mùa mua sắm Tết của người dân.
Trong khi đó, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn thành phố cũng sớm có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng khá dồi dào, tăng gấp 2 lần so với ngày thường để phục vụ nhu cầu của người dân. Chị Nguyễn Thị Trang, tiểu thương bán quần áo tại Chợ trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, thời điểm này, sức mua đã tăng đáng kể, lượng hàng nhập về theo đó cũng tăng gấp hai lần so với ngày thường, các loại quần, áo Việt được nhập về từ các xưởng may tại TP. Hồ Chí Minh như quần Jean có giá 160.000-220.000 đồng/sản phẩm, áo thun từ 70.000-150.000 đồng/ cái, bán khá chạy hàng.
Khách hàng mua hàng may mặc tại Chợ trung tâm Buôn Ma Thuột. |
Cùng với nhiều mặt hàng thiết yếu trên, xăng dầu cũng là một trong những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn dịp Tết. Là đơn vị chủ lực cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại, Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên đã lên kế hoạch tập trung nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, bảo đảm không xảy ra hiện tượng khan hiếm mặt hàng này. Theo đó, tổng nguồn vốn dự trữ lên đến 81,5 tỷ đồng (khoảng 2,5 triệu lít xăng, tương đương 42,5 tỷ đồng, dầu diesel 3 triệu lít, tương đương 39 tỷ đồng).
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, từ nhiều tháng trước, Sở Công thương đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa và bình ổn giá (BOG) khá chu đáo. Trong đó, kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm 2015 và dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 sẽ gắn liền với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa. Dự báo, nhu cầu hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong tháng bình thường khoảng 1.040 tỷ đồng, nhưng vào dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng lên khoảng 20%, tương đương khoảng 1.248 tỷ đồng. Do đó, kế hoạch vốn dự trữ hàng hóa Tết của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh phải đầy đủ, nhưng quan trọng hơn là phải bảo đảm giá cả luôn thấp hơn từ 5 - 10% so với giá thị trường… Chương trình BOG của Sở Công thương được thực hiện trong tháng 1 đến hết tháng 2-2016, trong đó, tập trung vào 11 mặt hàng mang tính chiến lược như gạo, đường, dầu ăn, nước mắm, gia vị, thịt heo, gà, trứng gia cầm, thủy, hải sản, thực phẩm chế biến, các loại rau củ. Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, bên cạnh công tác trên, vào dịp cuối năm, đơn vị cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trong dịp Tết, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng. Sở đang phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức đoàn kiểm tra về giá và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các điểm bán hàng BOG trước, trong và sau Tết. Để hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) tại các vùng nông thôn trong tỉnh mua sắm Tết, song song với việc bán hàng tại các điểm bán hàng BOG, Co.opmart Buôn Ma Thuột cũng tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại hai huyện Buôn Đôn và Krông Pắc, cam kết mức giá tốt nhất cho NTD.
Nhận định về sức mua trên thị trường thời điểm này, nhiều DN bán lẻ cho hay, sức mua đang tăng từng ngày. Mấy năm trở lại đây, người dân có xu hướng sắm Tết trễ hơn, mạnh nhất vẫn là hai tuần trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, sức mua tuy có tăng nhưng nhìn chung không đột biến như mọi năm, có lẽ một phần là do giá cà phê xuống thấp, nông dân cắt giảm nhiều khoản chi tiêu, mua sắm Tết.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc