Multimedia Đọc Báo in

Nan giải bài toàn chống thất thu thuế trong lĩnh vực xăng dầu

09:49, 22/01/2016
Cùng với quá trình chuyển đổi nền kinh tế, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và nền kinh tế. Tuy vậy, tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực này đã đến mức báo động mà việc khắc phục đang là “bài toán” khó.

Có doanh thu, nhưng không có nguồn thu

Hiện nay, toàn tỉnh có 315 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu, phân bổ rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố và có tổng doanh số lên đến trên 3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo số liệu của ngành Thuế, nguồn thu từ kinh doanh xăng dầu trên địa bàn hiện chỉ phát sinh từ đơn vị đầu mối duy nhất là Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên và các DN bán hàng của Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên. Cụ thể doanh thu bán hàng trong năm 2015 của Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên và các DN có bán hàng của đơn vị này là gần 1,8 nghìn tỷ đồng. Với doanh thu trên, chỉ tính riêng Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên đã nộp gần 26 tỷ đồng thuế GTGT, trên 4 tỷ đồng thuế thu nhập DN và gần 258 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường. Trong khi đó, hiện có đến 254 đơn vị kinh doanh xăng dầu cho DN ngoài tỉnh ngoài với doanh thu đến trên 1,2 nghìn tỷ đồng. Nhiều địa phương có tỷ lệ DN kinh doanh xăng dầu ngoài tỉnh lớn như huyện Ea Kar (có 16/17 DN), Cư M’gar (35/39), Krông Năng (28/33), Krông Pắc (29/31)… Các DN này chiếm đến 41% doanh số phát sinh trên địa bàn, nhưng địa phương lại không được phép thu nhiều khoản thuế, trong đó đáng kể nhất là thuế bảo vệ môi trường (được nộp tại các tỉnh khác), làm mất nguồn thu của tỉnh. Đó chỉ mới là doanh thu “được ghi trên sổ sách” còn con số thực tế như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào tính trung thực của các DN kinh doanh xăng dầu. Bởi như ngành Thuế thừa nhận, việc kiểm soát lượng xăng dầu nhập vào địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do việc quản lý trên khâu lưu thông đối với xe chuyên chở rất khó thực hiện. Hơn nữa,  trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tình trạng doanh thu kê khai không đúng với thực tế và nhiều cơ sở khai khống chi phí đầu vào vẫn còn rất phổ biến.

Khách mua xăng tại một cửa hàng của Công ty xăng dầu  Nam Tây Nguyên.
Khách mua xăng tại một cửa hàng của Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên.

Cần có giải pháp căn cơ

Theo Cục Thuế tỉnh, nếu các DN kinh doanh xăng dầu tập trung mua hàng của Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên thì ngành Thuế sẽ có được dữ liệu “đầu vào” chính xác để từ đó đối chiếu với thực tế kinh doanh của các DN nhằm phát hiện gian lận trong kê khai, nộp thuế. Từ đó, tỉnh sẽ tăng thu được nguồn thuế bảo vệ môi trường và chống thất thu đối với lượng xăng dầu nhập không có hóa đơn, chứng từ. Theo tính toán của ngành Thuế, nếu “kịch bản” trên diễn ra, thuế GTGT của Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên sẽ tăng thêm gần 18 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường tăng thêm gần 177 tỷ đồng. Như vậy, ngân sách Nhà nước của tỉnh sẽ tăng thu gần 200 tỷ đồng. Thế nhưng theo cơ chế thị trường, việc “ép” các đơn vị trong tỉnh mua hàng từ Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên là khó có thể thực hiện được. Do vậy, các chi cục thuế tại địa bàn có số lượng DN kinh doanh xăng dầu ngoài tỉnh lớn phải có biện pháp “siết” đầu ra để kiểm soát doanh số thực, như tăng cường hướng dẫn và kiểm tra sổ sách kế toán các DN. Và do đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, liên quan đến nhiều ngành quản lý nên ngành Thuế cần phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thực hiện kiểm định và niêm phong các cột bơm, bộ đếm tổng; yêu cầu các DN phải mở sổ nhật ký đồng hồ cột bơm tại mỗi cửa hàng, mỗi cột bơm xăng dầu…

Để từng bước đưa công tác thu thuế của các lĩnh vực này vào nền nếp, tăng thu ngân sách cho địa phương, thiết nghĩ bên cạnh những giải pháp trước mắt như đã nêu trên, nên chăng các DN trong tỉnh ngồi lại với nhau để tìm giải pháp mở rộng thị trường. Đó mới là giải pháp căn cơ và quan trọng hơn là bảo đảm được sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các thành phần kinh tế.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.