Nhìn nhận lại chất kích thích trái cây chín nhanh Ethephon
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều về tình trạng sử dụng chất kích thích Ethephon để ép sầu riêng, mít chín nhanh khiến người tiêu dùng hoang mang. Vậy hợp chất này có thực sự độc hại đến sức khỏe của người tiêu dùng hay không?
Ethephon được phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp
Khoảng tháng 8 và 9-2015, dư luận trong tỉnh rất lo lắng với tình trạng các cơ sở thu mua, chế biến nông sản sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng (trong đó có Ethephon) để ép trái cây chín nhanh. Điển hình là trường hợp một số công nhân của Công ty TNHH MTV Kim Quý (huyện Krông Pắc) bị ngất xỉu tại xưởng sơ chế sầu riêng phải đi cấp cứu với các triệu chứng sưng, phù nề tay chân, đỏ mắt, choáng đầu… Sau đó, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các trường hợp cơ sở chế biến, thu mua sầu riêng tại huyện Krông Pắc, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột… có sử dụng hóa chất ép trái cây nhanh chín khiến người dân địa phương không dám mua về ăn, còn bản thân các nhà vườn phải loay hoay tìm đầu ra, chủ vựa thu mua, chế biến trái cây mất hàng trăm triệu đồng vì nông sản bị tịch thu và tiêu hủy... Trước thực trạng trên, từ 24-8 đến 23-9-2015, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (NLTS) đã tiến hành thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái cây trên địa bàn huyện Krông Pắc nhưng không phát hiện việc sử dụng hóa chất để nhúng sầu riêng, tuy nhiên tại một số cơ sở thu mua phát hiện có một số vỏ chai phân bón lá cao cấp HPC-97 HXN mà thành phần có Ethephon. Theo chỉ dẫn trên bao bì, sản phẩm có thể phun hoặc pha vào nước để nhúng trái già nhằm điều khiển cho các loại trái cây xoài, mít, bơ, chuối, sầu riêng, măng cụt… chín nhanh. Chi cục đã lấy quả sầu riêng già tại vườn cây trên địa bàn huyện Krông Pắc, dùng sản phẩm phân bón lá nói trên pha theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì và nhúng quả sầu riêng vào dung dịch cho chín rồi gửi đến Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 kiểm nghiệm. Kết quả kiểm tra cho thấy, không phát hiện hàm lượng Ethephon, Chì, Asen, Cd trong thịt quả sầu riêng.
Kiểm tra sầu riêng trước khi đóng gói, xuất bán tại một cơ sở thu mua trái cây ở huyện Cư M’gar. |
Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLTS cho biết, đó mới chỉ là kết quả kiểm tra ban đầu về mức độ độc hại của hoạt chất này đối với các loại trái cây. Bản thân Ethephon là chất có trong các sản phẩm phân bón lá, chất điều hòa sinh trưởng được phép sử dụng trong nông nghiệp tại Việt Nam. Riêng phân bón lá cao cấp HPC - 97 HXN có trong Danh mục bổ sung các loại phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số 31/2012/TT-BNNPTNT ngày 20-7-2012 của Bộ NN-PTNT). Tuy nhiên, để có thể sử dụng loại phân bón này cũng như các chất kích thích, điều hòa sinh trưởng một cách đại trà thì cần phải có quy trình hướng dẫn cụ thể.
Cần lắm một hoạt chất kích thích trái cây chín quy chuẩn
Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty phát triển công nghệ sinh học Dona - Techno cho biết, trên thương trường, các nước có thế mạnh về xuất khẩu, chế biến hoa quả đã đi trước Việt Nam một bước nhờ sử dụng hiệu quả các chất kích thích để tạo nên sự đồng đều về kiểu dáng cũng như độ chín, sắc màu của từng loại trái cây. Một số nước tiên tiến còn dùng các chất kích thích này như một loại “thần dược” giúp trái cây chín rải vụ, trái vụ nhằm phục vụ cho hoạt động xuất khẩu quanh năm. Đương nhiên các chất này cũng được các khách hàng quốc tế cho phép sử dụng với mức độ, liều lượng phù hợp trên mặt hàng trái cây tươi, khô.
Đắk Lắk có nhiều loại trái cây có thế mạnh phát triển như sầu riêng, bơ, mít, xoài, chuối, dưa hấu…, thông thường đầu vụ trái cây chín lai rai, không đủ lượng hàng để bán với số lượng lớn, còn chính vụ thì chín ồ ạt dễ bị tư thương ép giá khiến các loại nông sản có giá trị này luôn phải đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá”. Vấn đề đặt ra là cần phải có sự can thiệp của công nghệ sinh học để trái cây chín rải vụ, giúp nông dân chủ động nguồn hàng. Việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ sinh học vào sản xuất trên cơ sở sử dụng các hoạt chất phù hợp được phép sử dụng để kích thích trái cây già chín đồng loạt trên cây góp phần nâng cao giá trị nông sản là vấn đề tất yếu của quá trình hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức khiến người dân cũng như các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản tự mò mẫm… Chính vì vậy, rất mong muốn các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, đưa ra các hoạt chất điều hòa sinh trưởng phù hợp giúp nâng tầm giá trị của trái cây Đắk Lắk, tránh tình trạng đáng tiếc như trường hợp của Ethephon đối với sầu riêng trong thời gian vừa qua.
Cũng theo ông Trần Ngọc Thanh, bản thân chất kích thích điều hòa sinh trưởng là hóa chất, do đó cần phải có quy trình hướng dẫn sử dụng cụ thể để người dân biết và thực hiện theo, tránh tình trạng lạm dụng, sử dụng sai mục đích làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như thương hiệu nông sản Việt. Dẫu sao những người làm vườn ở Đắk Lắk cũng đang rất hy vọng bởi hiện tại Chi cục Quản lý chất lượng NLTS tỉnh đang đề nghị UBND tỉnh cho phép thực hiện đề tài nghiên cứu, thử nghiệm hoạt chất Ethephon trên sầu riêng, chuối, mít… để đưa ra quy trình sử dụng cụ thể cho người dân và các chế tài xử lý vi phạm, góp phần đưa trái cây Đắk Lắk vươn xa hơn.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc