Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch
Đề án “Phát triển làng nghề giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020” của tỉnh Đắk Lắk đã và đang mang đến nhiều lợi ích về mặt kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các làng nghề, cụm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Ưu tiên phát triển cụm nghề truyền thống
Đắk Lắk là tỉnh có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống như: nghề làm gốm, mộc, rèn, điêu khắc tượng nhà mồ, dệt thổ cẩm, mây tre đan, rượu cần… Đó không chỉ đơn thuần là những vật dụng phục vụ đời sống mà còn chứa đựng các giá trị văn hóa, thẩm mỹ, phong tục tập quán và tâm linh của cư dân bản địa. Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Thời gian qua, các làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn đã có sự phát triển, nhưng một số ngành nghề vẫn còn tình trạng sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, kỹ thuật thô sơ, kiểu dáng, mẫu mã chưa phong phú, đa dạng… dẫn đến sản phẩm kém tính cạnh tranh. Có nhiều nơi, người làm nghề cũng không còn “mặn mà” với nghề truyền thống mà tìm “lối rẽ mới”, khiến nhiều nghề rơi vào cảnh bế tắc, mai một dần. Vì vậy, phát triển ngành nghề truyền thống gắn với du lịch là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững”.
Đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tham quan Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Tring A, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ. |
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 làng nghề truyền thống (làng nghề bánh tráng tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) và hàng chục cụm nghề. Thời gian tới, Đắk Lắk xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch. Nghĩa là, lấy du lịch để quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người cùng sản phẩm đặc trưng của tỉnh, đồng thời phát triển ngành nghề truyền thống để tạo sự đa dạng cho các sản phẩm du lịch, mang đặc trưng vùng, miền. Trong hơn 2 năm qua, các cơ quan chứng năng cùng một số địa phương trọng điểm về du lịch trong tỉnh đã và đang từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các cụm nghề truyền thống. Mục tiêu cụ thể giai đoạn từ 2016-2020 là phát triển hoặc phục hồi các cụm nghề có tiềm năng phát triển thành làng nghề trong tương lai gồm: Cụm nghề dệt thổ cẩm tại buôn Kna (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar), cụm nghề dệt thổ cẩm tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), cụm nghề làm gốm ở buôn Dơng Bắc (xã Yang Tao, huyện Lắk), cụm nghề sản xuất rượu nếp tại xã Buôn Triết (huyện Lắk), cụm nghề sản xuất hoa - cây cảnh ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột)... Đề án “Phát triển làng nghề giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020” chính là cơ sở để tiếp tục nâng cao năng lực tổ chức và quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường; thiết kế nhãn mác; hỗ trợ tham gia các hội chợ thương mại; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống...
Gắn kết với phát triển du lịch
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đều có những sản phẩm du lịch gắn với sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách, nhiều nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch trong tỉnh cũng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, gắn kết giá trị văn hóa truyền thống (như trang phục, không gian văn hóa của người bản địa, các món ẩm thực đặc sản Tây Nguyên) với các dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách đến tham quan, khám phá và nghỉ ngơi. Theo đánh giá của các đơn vị kinh doanh du lịch, du khách đến với Đắk Lắk, nhất là khách quốc tế rất thích thú với các sản phẩm như: dệt thổ cẩm, rượu cần… Chẳng hạn, trước đây Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Tring A (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ khó khăn... Tuy nhiên, sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm thị trường, thổ cẩm của buôn Tring A đã được nhiều người biết đến bởi độ bền cao, màu sắc đẹp mắt, mẫu mã đa dạng. Hằng năm, buôn Tring A có khoảng trên 1.000 lượt du khách do một số công ty du lịch lữ hành đưa đến để tham quan quy trình làm nên những sản phẩm thổ cẩm bằng thủ công. Du khách đến đây rất thích thú và nhiều người còn mua những sản phẩm thổ cẩm về làm kỷ niệm. Hay như nghề làm gốm ở buôn Dơng Bắc (xã Yang Tao, huyện Lắk) hiện đang được ngành chức năng của tỉnh gấp rút hoàn thiện các bước để khôi phục lại như: hỗ trợ kinh phí để nghệ nhân tham gia hội chợ thương mại; đầu tư trang bị máy móc, phục vụ sản xuất; nâng cao kỹ năng thiết kế sản phẩm; tuyên truyền, vận động nhân dân và mở thêm các lớp đào tạo về nghề gốm… Trong tương lai không xa, du khách đến với huyện Lắk không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng của Hồ Lắk, được cưỡi voi, chèo thuyền độc mộc, du ngoạn trên sông nước, được thưởng thức những ẩm thực, sản vật Hồ Lắk, mà còn có dịp tham quan cụm nghề truyền thống có từ bao đời nay của dân tộc M’nông, được chiêm ngưỡng những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa làm nên các sản phẩm gốm mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân bản địa nơi đây.
Nghệ nhân buôn Dơng Bắc (xã Yang Tao, huyện Lắk) giới thiệu các sản phẩm gốm được làm thủ công. |
Ông Vũ Văn Đông nhận định, làng nghề “sống” được nhờ du lịch và ngược lại du lịch phát triển hơn nhờ khai thác giá trị văn hóa-lịch sử từ mỗi làng nghề truyền thống. Phát triển du lịch gắn với phát triển làng nghề truyền thống đang thu hút ngày càng nhiều du khách. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc