Multimedia Đọc Báo in

Tour du lịch với cà phê: Bao giờ trở thành hiện thực?

11:49, 24/01/2016

Ý tưởng xây dựng tour du lịch cà phê được cộng đồng làm du lịch Đắk Lắk đưa ra từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực. Nguyên nhân một phần là do sự “bất hợp tác” giữa những người trực tiếp sản xuất cà phê với doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Thiếu tính bền vững

Đối tượng để khám phá tour du lịch cà phê trước hết là đời sống sản xuất của hàng vạn nông hộ trực tiếp sản xuất cà phê. Một khi đời sống sản xuất thật sự ổn định thì họ mới có điều kiện tiếp nhận, chia sẻ ý tưởng trên từ các doanh nghiệp làm du lịch. Ngược lại, khi đời sống bị đảo lộn thì người dân không nghĩ đến điều đó nữa, đơn giản là vì điều kiện cũng như cơ sở hạ tầng để kết nối với du lịch thật sự đã mất, hoặc không còn nguyên vẹn. Qua khảo sát của Công ty Du lịch - Thương mại Đam San cho thấy vài năm gần đây, bên cạnh những nguyên nhân như giá cả cà phê sụt giảm, vườn cây già cỗi cho năng suất thấp… thì “hấp lực” của một số cây trồng như hồ tiêu, sầu riêng, bơ booth đã khiến nhiều nông hộ không còn mặn mà với cây trồng chiến lược trên. Người ta không mạnh dạn chặt bỏ để thay thế các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, thì cũng không muốn đầu tư bài bản và thật sự có chiều sâu cho cây cà phê như trước. Vì thế đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân vốn sống gắn bó và có quan hệ mật thiết với cà phê, ít nhiều bị loãng ra và mất đi không khí đặc trưng và khu biệt được hiểu như một “làng nghề” thực sự.

Được trải nghiệm với mùa cà phê chín là ấn tượng khó quên với du khách khi đến Buôn Ma Thuột.
Được trải nghiệm với mùa cà phê chín là ấn tượng khó quên với du khách khi đến Buôn Ma Thuột.

Đúng như vậy, những vùng chuyên canh cà phê nổi tiếng ở vùng ngoại ô TP. Buôn Ma Thuột, hoặc liền kề như Ea Pôk - huyện Cư M’gar, Hòa Đông - Krông Pắc, Kim Châu - Cư Kuin, Ea Nuôl - Buôn Đôn… một thời là địa chỉ tiêu biểu để cho những ai có nhu cầu tìm hiểu, khám phá cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của “dân cà phê” giờ đây không còn sinh động nữa. Ông Lê Xuân Thảo ở thị trấn Ea Pôk cho rằng, bỏ cà phê để trồng cây khác thì dĩ nhiên mọi thứ phải thay đổi - từ cách nghĩ, cách làm… cho đến tâm tư, tình cảm của mình cũng khác đi. Ông Thảo cho hay, những kỳ lễ hội cà phê trước đó, có khá nhiều du khách đến tham quan vườn cà phê nhà ông và ông không ngần ngại đáp ứng mọi nhu cầu của họ: tưới nước, tỉa cành, thu hái, pha chế cà phê để thưởng thức tại chỗ… vì tất cả đều đã có sẵn và hơn thế, đó còn là một phần cuộc sống của gia đình ông nên việc hướng dẫn, chia sẻ cùng du khách về “một thế giới cà phê” với tư cách người trong cuộc hẳn là việc dễ dàng. Còn nay, nhà nào có điều kiện thì đổ xô theo hồ tiêu, không thì lừng khừng - nửa muốn phá bỏ, nửa không thành ra đời sống sản xuất bị đảo lộn thật sự. Cây cà phê được ví như “hàn thử biểu” để đo sự “nóng lạnh” của nhịp sống mỗi ngày theo đó cũng bớt phần hào hứng, quan tâm đối với mọi người.

Du khách đến Buôn Ma Thuột vào mùa hoa  cà phê nở,  đều có nhu cầu thăm thú  và  trải nghiệm.
Du khách đến Buôn Ma Thuột vào mùa hoa cà phê nở, đều có nhu cầu thăm thú và trải nghiệm.

Ông Lê Hoàng Cơ, Giám đốc Công ty Du lịch-Thương mại Đam San cho rằng, từ những yếu tố bất lợi đó đã khiến mối liên kết, hợp tác giữa người nông dân và doanh nghiệp có ý tưởng xây dựng và thực hiện tour du lịch với cà phê gặp trở ngại, khó khăn rất nhiều. Được biết, như mọi năm trước, dịp Tết đến cũng là thời điểm cà phê bắt đầu ra hoa và sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm với vườn rẫy của người nông dân rất được du khách, nhất là khách quốc tế ưa chuộng - và Đam San là một trong những đơn vị dẫn đầu về việc cung cấp, đáp ứng sản phẩm du lịch này. Còn Tết năm nay, mặc dù đã có khách hàng đặt tour trước, nhưng theo ông Cơ thì không triển khai được vì những lý do như đã nêu. Hơn nữa, từ phía Nhà nước khi hoạch định chủ trương, chính sách và giải pháp nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho hạt cà phê đã chưa thật sự chú trọng đến yếu tố bền vững giúp người nông dân trực tiếp sản xuất ra ngành hàng này sống được với loại cây trồng mà họ đã lựa chọn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Yếu tố bền vững ở đây không chỉ là câu chuyện chất lượng, vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu… mà còn phải tạo ra được nét khác biệt, hay nói đúng hơn là “không gian sống” cho cư dân trồng cà phê trên vùng đất này, để khi nhìn vào đó, bất cứ ai cũng nhận ra đời sống sinh hoạt, sản xuất và hưởng thụ của “dân cà phê” có những đặc tính không giống như những vùng miền khác. Chính sự khác biệt ấy là điều kiện cần thiết để hướng tới và xác lập giá trị văn hóa đặc thù nhằm biến ý tưởng du lịch với cà phê thành hiện thực sinh động với nhiều ý nghĩa trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội…

Cần sự kết nối cộng đồng

Đáng tiếc, điều đó không được ai tiếp sức giúp cộng đồng làm cà phê ở Đắk Lắk theo đuổi đến cùng, mặc dầu từ năm 2008 đến nay đã có khá nhiều hội nghị, hội thảo khoa học bàn về yếu tố bền vững cho cà phê, trong đó bao hàm cả “góc nhìn” trên được các nhà nghiên cứu, doanh nhân làm du lịch văn hóa - sinh thái đặt lên bàn nghị sự. Còn nhớ trong những cuộc Hội thảo “Hiện thực hóa Thiên đường cà phê Buôn Ma Thuột” do Tập đoàn cà phê Trung Nguyên phối hợp với Hiệp Hội cà phê - ca cao (VICOFA) và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hồi cuối năm 2008 và đầu năm 2011, thì vấn đề quan tâm và đầu tư có chiều sâu cho hàng vạn nông hộ làm cà phê ở đây đã được bàn thảo đến. Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng, để biến “thiên đường cà phê”, hay “thủ phủ cà phê” trở thành sản phẩm du lịch văn hóa - sinh thái mà chủ thể của nó là người nông dân không có gì khác biệt so với cư dân trồng lúa, trồng rau… thì chỉ là chuyện không tưởng! Bởi nói cho cùng, từ đời sống thực tế mới sinh ra các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội tương thích - và cũng từ giá trị ấy có tác động trở lại chi phối đời sống theo hướng tích cực hơn. Còn mới đây, vào cuối tháng 11-2014, tại Hội thảo “Tìm giải pháp để phát triển du lịch TP. Buôn Ma Thuột”, TS. Trương Sỹ Vinh (Ban nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng cục Du lịch) đặt câu hỏi: Tại sao đã qua 4-5 kỳ Lễ hội Cà phê (cấp Quốc gia) được tổ chức ở đây mà sản phẩm du lịch cà phê không được biết đến như một lợi thế cạnh tranh như các tour tham quan nhà vườn của Huế, hay làng rau, làng hoa Đà Lạt trong mỗi kỳ Festival mở ra. Phải chăng người làm cà phê - đóng vai trò trung tâm của sản phẩm du lịch kia chưa được quan tâm, tôn vinh đúng mức? Theo TS. Vinh, để có đáp án cho “bài toán” này, thì các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như doanh nghiệp làm du lịch ở Đắk Lắk cần hiểu rõ và xác lập cho được mối quan tâm, sự tôn vinh như là giải pháp liên kết và phát triển bền vững cho cà phê. Sự bền vững đó được thể hiện bằng điều kiện, cơ hội và cả thái độ của cộng đồng vốn có đời sống liên quan mật thiết đến cà phê. Còn TS. Nguyễn Văn Lạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đồng thời là người đứng ra làm “cầu nối” xúc tiến cho du lịch Buôn Ma Thuột phát triển - nhân dịp hội thảo này cũng lấy làm tiếc: Chung sống, trải nghiệm với người sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê đáng ra là sản phẩm du lịch đặc thù của thành phố. Không khí “ăn ngủ” với … cà phê ở vùng đất  này phải thật sự đậm đặc hơn bất cứ nơi nào và đó chính là sức hút nội tại mạnh mẽ để phát triển du lịch của địa phương. Bởi nói rộng ra làm du lịch dựa vào cộng đồng sống với cà phê cũng là một cách hướng tới mục tiêu gia tăng chuỗi giá trị cho loại cây trồng này vậy!

Có thể nói, những phản ánh và gợi mở tâm huyết ấy là cơ sở khoa học và có tính khả thi để chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người làm cà phê ở “thủ phủ” này nỗ lực biến ý tưởng trên trở thành hiện thực.

 Phương Đình


Ý kiến bạn đọc