Triển vọng từ mô hình trồng cao su và nuôi bò dưới tán rừng nghèo
Dự án trồng cây cao su và nuôi bò trên đất rừng nghèo của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) đang phát huy hiệu quả tích cực. “Cơ ngơi” sau 5 năm đầu tư vào lĩnh vực này là rừng cao su xanh tốt đang vào thời kỳ cho mủ, trang trại chăn nuôi bò sinh sản dưới tán rừng lên đến gần 3.000 con.
Bạt ngàn cao su...
Trong khi nhiều diện tích rừng chuyển sang trồng cao su bị rơi vào cảnh phát triển èo uột, kém hiệu quả thì dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo được giao cho Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk tại huyện Ea H’leo đang mở ra nhiều triển vọng phủ xanh rừng nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Sau 5 năm, kể từ năm 2010, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk chính thức đưa cây cao su lên trồng trên đất rừng nghèo kiệt tại Ea H’leo, đến nay cao su đang phát triển hơn cả mong đợi, bước đầu đã cho thu hoạch. Ông Đỗ Thái Cơ, Tổng Giám đốc Công ty khẳng định, cao su đang phát triển tốt, tỷ lệ cây sống và sinh trưởng cao, hiện nay một số diện tích đã bảo đảm cho khai thác mủ, nhờ đó, đời sống của người lao động đang có những chuyển biến tích cực.
Một vườn cao su tại nông trường của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk. |
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk đã đầu tư trên 300 tỷ đồng để phát triển cây cao su tại xã Ea H’leo; đến nay đã có tổng cộng 2.200 ha cao su với quy mô hai nông trường sản xuất. Canh tác trên vùng đất khó, khô cằn, thời tiết lại khá khắc nghiệt, để giữ nước cho cây trong mùa khô, năm 2012 công ty đã bỏ ra nhiều thời gian nghiên cứu và đưa vào công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, giúp nước dễ thẩm thấu vào cây - bước đi tưởng chừng như “nghịch lý” trong giới trồng cao su lại phát huy hiệu quả không ngờ. Nhờ đó, cây đã cho mủ trước thời hạn so với lộ trình đề ra; đến nay, một số vườn cao su đã cho thu hoạch với chất lượng mủ không kém gì cao su ở vùng Đông Nam Bộ.
Việc phát triển cây cao su tại đây đã tạo công ăn việc làm cho 100 lao động địa phương làm việc thường xuyên và 300 lao động thời vụ, trong đó, có hơn 60% là đồng bào dân tộc thiểu số với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Đơn vị cũng đã đầu tư nhà làm việc, sân thể thao, khu nhà ăn, nhà ở công nhân, sân bãi, kéo đường điện, đưa nước về cho bà con… với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng. Để ổn định chỗ ở, tạo điều kiện cho người lao động yên tâm công tác, cứ hai vợ chồng làm công nhân thì được công ty xây dựng cho một căn nhà cấp 4 trị giá 60 triệu đồng và tính đến thời điểm này đã có 51 mái nhà mọc lên. Từ Quốc lộ 14, đường rẽ vào nông trường cao su của Hoàng Anh nay đã được trải nhựa thẳng tắp, hai bên đường rừng cao su bạt ngàn ôm lấy “làng công nhân”. Điện kéo về tận ngõ, cánh rừng nghèo hoang vắng ngày nào giờ đã là một “làng xanh” đầy sức sống, bạt ngàn của cao su.
... Và triển vọng từ dự án nuôi bò dưới tán rừng
Đi dọc theo nông trường của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk rất dễ thấy từng đàn bò ung dung gặm cỏ dưới tán rừng. Trước biến động của giá mủ cao su, để ổn định sản xuất, tháng 4-2015, đơn vị quyết định mở rộng ngành nghề, và nuôi bò dưới tán rừng là lựa chọn tối ưu để tận dụng quỹ đất rừng nghèo, có nguồn phân để bón cho cây trồng, quan trọng hơn việc trồng cỏ nuôi bò đã hạn chế đáng kể tình trạng rữa trôi, xói mòn đất. Mô hình được đánh giá là tận dụng tốt quỹ đất đai, đồng cỏ, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động địa phương.
Trang trại chăn nuôi bò sinh sản tại Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk. |
Tính đến nay, công ty đã đầu tư gần 90 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, con giống, đồng cỏ, xưởng chế biến thức ăn… Trên diện tích 355 ha, xung quanh được đơn vị rào chắn cẩn thận để nuôi bò dưới tán rừng với đàn bò sinh sản gần 3.000 con. Đây được coi là một trong những đàn bò có quy mô lớn nhất tỉnh Đắk Lắk tính đến thời điểm hiện nay. Theo ông Đỗ Thái Cơ thì giống bò này được nhập từ Úc, giá thành cao nhưng trọng lượng lớn, khả năng sinh sản và sức đề kháng tốt. Bên cạnh nguồn thức ăn tự nhiên, trên diện tích 280 ha đất, công ty tiến hành trồng cỏ để chủ động được nguồn thức ăn cho bò, riêng nguồn phân bò thì được ủ thành phân hữu cơ để bón cho cao su và cỏ. Để bảo đảm đàn bò phát triển khỏe mạnh, không bị lây nhiễm bệnh thì mọi biện pháp phòng chống dịch bệnh ở đây được thực hiện đầy đủ, công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng chuồng trại được làm thường xuyên và nghiêm ngặt. Việc chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã giúp đàn bò phát triển tốt, sinh sản nhanh. Lứa bê đầu tiên gần 200 con ra đời là tín hiệu khả quan để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Theo hướng phát triển này, đến năm 2017, dự án bò của Hoàng Anh Đắk Lắk tại huyện Ea H’leo sẽ có 3.550 con bò sinh sản, 72.000 con bò thịt và 28.000 bò sữa.
Với sự chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su và nuôi bò có thể nói, mô hình nông lâm kết hợp giữa trồng rừng và chăn nuôi này của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk đã khai thác tốt tiềm năng đất đai, bảo đảm tính bền vững; vừa bảo vệ, cải tạo rừng, vừa hình thành lên điểm dân cư mới, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc