Công nghiệp và những tín hiệu vui
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm qua vẫn đạt được một số kết quả quan trọng và là tín hiệu tích cực để kỳ vọng về sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2016.
Dấu ấn trong thu hút đầu tư
Một trong những điểm sáng đáng ghi nhận của ngành Công thương năm 2015 là đã thu hút được một số dự án (DA) lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Ông Trương Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc thu hút được doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào ngành công nghiệp là điều rất khó. Tuy nhiên, năm qua toàn tỉnh đã thu hút được 14 DA trong danh mục các DA đầu tư có sử dụng đất giai đoạn 2015 - 2020, tổng số vốn 4.400 tỷ đồng. Có thể kể đến một số DA tiêu biểu như DA đầu tư xây dựng khu phức hợp công nghiệp mía đường tại thôn 5, xã Ea Rốc, huyện Ea Súp của Công ty Cổ phần đường Biên Hòa, công suất 4.000 tấn mía/ngày, tổng vốn đầu tư 2.883 tỷ đồng; xây dựng nhà máy đường tại xã Ia T’mốt, huyện Ea Súp của Công ty Cổ phần mía đường Đắk Nông, công suất 3.000 tấn mía/ngày, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; nhà máy sản xuất phân bón tại Cụm công nghiệp Krông Búk 1 của Công ty Cổ phần Hoa Cương Đất Việt, công suất 320.000 tấn/năm, vốn đầu tư 135 tỷ đồng; nhà máy chế biến tinh bột sắn tại thôn 2, xã Krông Á, huyện M’Đrắk của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bình Phước, công suất 18.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư 80 tỷ đồng…
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk. |
Đối với DA nhà máy đường của Công ty Cổ phần mía đường Đắk Nông (Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút), đến thời điểm này, chủ đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đã tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, thẩm định nhu cầu sử dụng đất và sẽ thực hiện DA di dời nhà máy sản xuất từ Đắk Nông về xã Ia T’mốt, huyện Ea Súp. Giai đoạn 1 của DA này sẽ được triển khai từ năm 2016 đến 2018, và trong giai đoạn 2 sẽ nâng công suất từ 1.500 lên 3.000 tấn mía/ngày. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ sử dụng nguyên liệu trên diện tích 5.000 ha tại địa bàn các xã Ia T’mốt, Cư M’lan, Ea Bung, Ea Lê, Ea Rốc và Ia R’vê. Điều này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ chuỗi sản xuất nông - công nghiệp, tăng thêm thu nhập cho người dân huyện vùng biên.
Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk và Cụm công nghiệp Tân An 1, 2. |
Trong khi đó, việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) cũng đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, đã có 112 DA đầu tư và đăng ký đầu tư vào 14 CCN ở các huyện, thị xã, thành phố (trong đó, 69 DA đã đi vào hoạt động, 26 DA đang xây dựng và 17 DA đăng ký đầu tư), tổng diện tích đất 221,6 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 65%. Các DA này có tổng vốn đầu tư khoảng 4.870 tỷ đồng và thu hút hơn 5.000 lao động, riêng 69 DA đang hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, thu hút 3.150 lao động.
Tạo đà cho năm mới
Trong năm 2015, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nhất là các sản phẩm xuất khẩu; giá cả nông sản biến động thất thường, nguyên nhiên liệu, vật tư cho sản xuất tăng mạnh; nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư một số dự án và sản xuất công nghiệp... Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Công thương, trong bức tranh ảm đạm ấy vẫn xuất hiện những điểm sáng. Đáng chú ý là công nghiệp chế biến nông sản vẫn duy trì sản xuất ổn định, vượt qua khó khăn, có mức tăng trưởng đáng kể; ngành cơ khí phát triển mạnh với một số sản phẩm như bơm tưới, thiết bị chế biến nông sản, lưới thép, tôn... đã khẳng định được uy tín trên thị trường cả nước và bước đầu thâm nhập thị trường nước ngoài (Lào, Campuchia). Từ những lợi thế đã tạo dựng được trong năm qua, đặc biệt về thu hút đầu tư và sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, trong năm 2016, ngành Công thương sẽ phối hợp với các ngành, địa phương chuẩn bị tốt vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến; thực hiện tốt chính sách tiêu thụ hàng hóa nông sản nhằm tạo sự gắn kết, ổn định lâu dài giữa nhà máy chế biến với người nông dân, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường, tinh bột sắn, điều... Đặc biệt, sẽ tổ chức các diễn đàn kêu gọi thu hút các DA đầu tư nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh; ưu tiên lựa chọn các DA sản xuất sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, sử dụng nguyên liệu tại địa phương, có tính bền vững và hạn chế các DA chế biến thô. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư vào công nghiệp đảm bảo tiến độ và đi vào hoạt động đúng kế hoạch. Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án khuyến công quốc gia và địa phương nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vùng nông thôn. Đồng thời, chủ động theo dõi tình hình hoạt động, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để đề xuất các biện pháp tháo gỡ. Ngành Công thương cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm; thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất, đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, tận dụng cơ hội từ các chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư của Nhà nước và thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp; tích cực tham gia các hiệp hội ngành nghề để tạo sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc