Dấu ấn từ những công trình thủy lợi
Nhiều người đã ví von rằng: “Ở Tây Nguyên có nước là có tất cả”. Chính vì vậy, ngay từ những năm đầu giải phóng Đắk Lắk đã rất chú trọng đầu tư xây dựng thủy lợi đi đôi với phát triển nông nghiệp. Sau 40 năm, toàn tỉnh đã có hàng trăm công trình thủy lợi được xây dựng, trong đó có nhiều công trình để lại dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ những công trình gắn với thủa khai hoang
Ngay sau ngày thống nhất đất nước, với mục tiêu ổn định nhanh chóng đời sống của người dân, phong trào khai hoang, xây dựng cánh đồng để sản xuất lương thực, giải quyết tình trạng thiếu đói... là những yêu cầu cấp bách của tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ. Để phát triển sản xuất, bước đầu các công trình thủy lợi được xây dựng như Buôn Triết, Ea Kao, Krông Búk Hạ, Ea Uy, Ea Súp Hạ, hệ thống trạm bơm điện dọc sông Krông Ana… Trong đó, đáng kể nhất là đập Buôn Triết (huyện Lắk) gắn liền với cánh đồng Buôn Triết, Buôn Tría màu mỡ, huyền thoại-nơi một thời cả tỉnh đi khai hoang mở đất. Thời đó, phương tiện lao động còn thô sơ, máy móc còn ít, hầu như làm thủ công là nhiều. Ròng rã trong 5 năm thì công trình cũng cơ bản hoàn thành, mang lại niềm vui lớn cho người dân nơi đây và đến năm 1986 hệ thống kênh được hoàn thiện và biến huyện Lắk thành vựa lúa lớn nhất tỉnh. Đến nay, Buôn Triết là công trình thủy lợi quan trọng của Lắk và lớn thứ 3 của tỉnh, góp phần mang lại những “mùa vàng” cho những người dân ở đây. Cùng thời với đập Buôn Triết, hồ chứa Ea Súp Hạ (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) được xây dựng năm 1978, hoàn thành năm 1980, với dung tích 5 triệu m3, dùng để tưới tiêu cho nông nghiệp, điều tiết lũ. Thời đó, Ea Súp Hạ là vùng đất khô cằn, chỉ có rừng khộp, người dân không sinh sống được ở khu vực này vì không có nguồn nước. Trước tình hình trên, tỉnh quyết định đầu tư xây dựng công trình thủy lợi này để ổn định dân cư khu vực biên giới, đồng thời mở mang diện tích trồng trọt. Hiện nay, hồ Ea Súp Hạ còn là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản cho người dân sống quanh hồ, đặc biệt là ngư dân sống bằng nghề cá. Cùng với công trình thủy lợi hồ Ea Súp Thượng, Ea Súp Hạ phục vụ nước tưới cho 8 nghìn ha lúa thâm canh hai vụ và khoảng trên 2 nghìn ha cây trồng khác, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội vùng đất biên giới này. Theo ông Nguyễn Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, giai đoạn 1975-1985 là giai đoạn kinh tế khó khăn nhất của cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng, tuy nhiên trong thời kỳ này tỉnh cũng đã chú trọng đến việc phát triển thủy lợi bằng việc đầu tư xây dựng được 190 công trình, cung cấp nước tưới cho trên 13.600 ha cây trồng, chủ yếu là lúa nước 2 vụ và cà phê. Nhờ đầu tư xây thêm nhiều công trình thủy lợi nên các vùng sản xuất chủ động được nguồn nước, đã giúp năng suất lúa tăng lên đáng kể. Nếu năm 1975, tổng sản lượng lương thực đạt 75.000 tấn thì đến năm 1985 tăng lên 210.000 tấn, diện tích canh tác được mở rộng và phát triển toàn theo hướng chuyên canh.
Một góc của đập Buôn Triết, huyện Lắk. |
Đến những công trình mang tầm vóc quốc gia
Từ giai đoạn 1986 đến nay, đánh dấu sự đổi mới toàn diện về kinh tế-xã hội của tỉnh, cùng với sự phát triển của công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông, lâm nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp cũng có sự tăng mạnh về diện tích và sản lượng, cùng với đó thủy lợi cũng được chú trọng đầu tư phát triển bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đặc biệt là sự viện trợ của nguồn vốn ODA. Chính nhờ vậy, trong giai đoạn này có rất nhiều công trình lớn nhất, nhì khu vực Tây Nguyên được xây dựng như Ea Súp Thượng, Buôn Joong, Krông Búk Hạ… để phục vụ cho sản xuất lúa và các loại cây công nghiệp chủ lực như cà phê, tiêu… Công trình thủy lợi lớn đầu tiên là Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp), được khởi công xây dựng từ đầu năm 2001 bằng nguồn vốn huy động trái phiếu của Chính phủ. Đây là công trình thủy lợi lớn thứ 2 ở Tây Nguyên và lớn nhất tỉnh, với diện tích mặt nước gần 1.500 ha, dung tích 146 triệu m3, bảo đảm nước tưới cho gần 9.500 ha lúa và nhiều diện tích cây trồng khác, phục vụ nước sinh hoạt cho người dân ở các xã: Ea Lê, Ea Bung, Ia R’vê, Ea Rốk, Cư M’Lan, Ya Lốp, Ia T’mốt và thị trấn Ea Súp. Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, từ khi có công trình thủy lợi này, diện tích canh tác của trên địa bàn huyện tăng nhanh, nếu trước đây toàn huyện chỉ có 1.800 ha lúa 2 vụ thì nay đã tăng lên trên 4.000 ha, nhờ có nước tưới đầy đủ, năng suất lúa cũng được nâng lên bình quân 6,8 tấn/ha. Đặc biệt, các xã như Ia T’mốt, Ia R’vê, trước đây là vùng khô cằn, nhân dân không canh tác được do thiếu nước, thì nay hệ thống kênh chạy tới đâu thì ở đó lại xanh lên những cánh đồng, làm sống lại một vùng “đất chết”, nếu hệ thống kênh chính Đông và Tây được hoàn thiện sẽ biến vùng biên giới Ea Súp thành vựa lúa lớn nhất tỉnh. Hiện nay, đập Ea Súp Thượng không chỉ có giá trị to lớn về mặt thủy lợi, mà còn mang lại tiềm năng to lớn về phát triển thủy sản và du lịch.
Hồ Ea Súp Hạ |
Cũng mang tầm vóc quốc gia, đập Krông Búk Hạ, được đánh giá là công trình thủy lợi trọng điểm A2, lớn nhất Tây Nguyên, được khởi công xây dựng từ năm 2005 (tại địa bàn xã Ea Phê, huyện Krông Pắc), với dung tích 116 triệu m3, cung cấp nước tưới cho 11.400 ha diện tích cây trồng các loại và nước sinh hoạt cho 72.000 hộ dân, đồng thời có tác dụng phòng chống lũ lụt hằng năm ở khu vực hạ lưu, nuôi trồng thủy sản và cải tạo cảnh quan môi trường… cho huyện Krông Pắc và một phần huyện Ea Kar. Đến nay cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Krông Búk Hạ đã được hoàn thành và vận hành đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho nhân dân trong vùng được hưởng lợi. Hiện 3.000 ha lúa 1 vụ của huyện Krông Pắc tăng lên thành 2 vụ; khoảng 11.400 ha cây trồng các loại được tưới từ công trình này. Ông Trần Ba, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc cho biết, có thể nói, công trình Krông Búk Hạ mang lại một diện mạo mới cho đời sống kinh tế - xã hội của huyện Krông Pắc, một minh chứng rõ ràng nhất là trong đợt hạn khủng khiếp của vụ đông xuân 2014-2015, nguồn nước của hồ đã cứu khoảng 7.000 ha cây trồng các loại cho 8 xã cánh Đông của huyện và 1 xã của huyện Ea Kar, nếu không có công trình này thì sản xuất nông nghiệp của huyện vừa qua hoàn toàn bị tê liệt, đó là chưa kể đến việc cứu nguy trong cung cấp nước cho chăn nuôi và sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, trong khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk là tỉnh có hệ thống thủy lợi phát triển nhất, với 770 công trình, trong đó có 590 hồ chứa, bảo đảm nước tưới cho trên 76% diện tích cây trồng có nhu cầu nước. Đặc biệt, 2 công trình thủy lợi lớn là Ea Súp Thượng và Krông Búk Hạ được trang bị hệ thống quan trắc hiện đại nhất Việt Nam, cho phép người quản lý điều hành hệ thống hồ chứa từ xa thông qua ứng dụng phần mềm trên máy tính… Điều này đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn trong điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, đưa Đắk Lắk trở thành tỉnh duy nhất của Tây Nguyên đạt trên 1 triệu tấn lương thực trong nhiều năm liền; năng suất, sản lượng các loại cây trồng công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su tăng mạnh…, đồng thời hình thành được một số vùng sản xuất nông sản hàng hóa như cà phê, tiêu, ngô, lúa…, phát huy được lợi thế của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc