Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay ở một thôn văn hóa

10:21, 23/02/2016
Thôn Tân Lập, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) hiện có 161 hộ, 726 nhân khẩu. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng: cà phê, hồ tiêu, cao su và làm công nhân cho nông trường cao su.
 
Là một thôn được thành lập vào năm 2005 - khi người dân di dời để xây dựng công trình thủy lợi đập hồ Buôn Joong - những năm đầu tạo dựng cuộc sống mới, bà con trong thôn cũng gặp rất nhiều khó khăn như: thiếu vốn sản xuất, đất canh tác, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Trong những năm gần đây, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã và ban tự quản thôn đã tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cuộc sống của người dân ngày càng phát triển. Gia đình anh Lê Văn Tảo là một trong những điển hình vượt khó làm kinh tế giỏi. Bên cạnh việc tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế anh còn xin vào làm công nhân của Nông trường Cao su Cư M’gar. Hiện nay gia đình anh có 1,5 ha đất trồng cây cà phê và 1.000 trụ tiêu, trong đó có hơn 400 trụ tiêu kinh doanh. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất cây trồng rất ổn định, bình quân hằng năm gia đình anh thu được từ 6 - 7 tấn cà phê nhân và 1 tấn tiêu. Anh Lê Văn Tảo chia sẻ: “Từ việc chăm chỉ lao động sản xuất, phát triển kinh tế, mà bình quân mỗi năm gia đình tôi đã có thu nhập trên 500 triệu đồng; có tiền để đầu tư cho con cái ăn học, mua sắm các đồ dùng tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất…”.
Con đường trục chính của thôn Tân Lập  được đầu tư xây dựng khang trang.
Con đường trục chính của thôn Tân Lập được đầu tư xây dựng khang trang.

Cũng như gia đình anh Lê Văn Tảo, gia đình chị Hồ Thị Anh cũng là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của thôn. Trước đây cuộc sống của gia đình chị khá khó khăn, hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn. Năm 2002 chị vào làm công nhân tại Nông trường Cao su Cư M’gar còn chồng chị tích cực chăm sóc vườn cây. Những năm cao su được giá, mỗi tháng lương công nhân của chị dao động từ 7-8 triệu đồng. Hiện nay, gia đình chị Hồ Thị Anh có 1 ha đất trồng cà phê và 250 trụ tiêu (năm thứ 2). Vườn cà phê  được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên hằng năm cho năng suất ổn định đạt từ 3,5 - 4 tấn. Nhờ biết tiết kiệm trong chi tiêu trong sinh hoạt, năm 2013 gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá gần 500 triệu đồng với tổng diện tích sử dụng hơn 140 m2. Bên cạnh đó, chị còn đầu tư mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Còn nhiều hộ dân khác trong thôn cũng đã có cuộc sống khá giả nhờ thay đổi tập quán canh tác. Đến nay, bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; từ đó từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình. Từ một thôn “sinh sau đẻ muộn” của xã, đến nay thôn Tân Lập đã trở thành một trong những thôn có nhiều điển hình làm kinh tế giỏi ở Ea Kpam. Ông Nguyễn Viết Xuân, Trưởng thôn Tân Lập cho biết: Trong số 161 hộ thì đã có 50 hộ khá, giàu và chỉ còn lại 2 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Toàn thôn có trên 95% hộ có nhà xây kiên cố, 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, điện lưới quốc gia, có phương tiện phục vụ sản xuất và phương tiện nghe nhìn, trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Tổng thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 27 triệu đồng/người/năm… Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, bà con trong thôn còn tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: cổng chào thôn văn hóa, nhà sinh hoạt thôn; mua sắm các phương tiện phục vụ cho hội họp, đường giao thông nội thôn… Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Thôn Tân Lập đã vinh dự được UBND huyện công nhận 2 lần thôn văn hóa…

 H Xiu ÊBan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.