Multimedia Đọc Báo in

Du lịch với cà phê: "Đặc sản" của ngành Du lịch Đắk Lắk

06:16, 12/02/2016

Đắk Lắk từ lâu đã nổi tiếng với cà phê. Làm du lịch gắn với cây cà phê sẽ giúp du khách có thêm nhiều hiểu biết, trải nghiệm thú vị với vùng đất này.

Ý tưởng mở tour du lịch với cà phê không phải là điều gì đó quá mới mẻ mà đã được một vài doanh nghiệp (DN) làm du lịch như Công ty TNHH du lịch Cộng đồng Ko Tam, Du lịch lữ hành Biệt Điện, Đặng Lê… đưa vào khai thác trong mấy năm gần đây. Với tour cà phê, du khách có cơ hội được tìm hiểu và khám phá quá trình hình thành, phát triển của cà phê Buôn Ma Thuột, các quy trình trồng, chăm sóc, chế biến để cho ra những ly cà phê Buôn Ma Thuột thơm ngon đặc trưng chính hiệu. Không chỉ là hành trình khám phá “Thế giới cà phê”,  tour cà phê thật sự còn là sự trải nghiệm thú vị đối với du khách khi họ được tự tay ươm giống cà phê, xem cách bón phân, làm cỏ, tỉa cành, tưới  nước cho cây cà phê; đặc biệt là tham gia vào các quy trình rang, xay, chế biến cà phê bột.  

Khai thác du lịch với cà phê có nhiều sản phẩm: Tour du lịch tham quan vườn ươm, khách sẽ cùng chọn đất, chọn giống, ươm cây cà phê. Tour “Một ngày làm nông dân” du khách cùng tỉa cành, bón phân, chăm sóc cà phê để được trải nghiệm cái hoang sơ, bạt ngàn khi đứng trước vườn cà phê xanh ngắt. Tổ chức tour ngắm vườn cà phê đang mùa bung hoa, vào vụ thu hoạch hoặc tưới cây bằng nhiều hình thức của nông dân như tưới béc, nhỏ giọt, dí… hứa hẹn mang đến nhiều cảm nhận thú vị cho du khách.

Tour xem quy trình rang, xay chế biến cà phê và cung cấp thông tin, giúp du khách phân biệt đâu là cà phê thật, nguyên chất và chính hiệu Buôn Ma Thuột, đâu là cà phê có pha lẫn tạp chất… Kết nối với các quán cà phê mang đậm chất Tây Nguyên để tổ chức tour thưởng thức cà phê phục vụ du khách… Tất cả hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm, cảm xúc mới mẻ cho khách thập phương một lần đặt chân đến nơi này.

Thu hoạch cà phê trong tuor du lịch với cà phê tại Khu du lịch Ko Tam.
Thu hoạch cà phê trong tuor du lịch với cà phê tại Khu du lịch Ko Tam.

Có dịp đến Đắk Lắk vào tháng hai cho đến giữa tháng ba, du khách sẽ được đắm mình trong vườn cà phê bung bông trắng xóa, ngắm ngàn cánh hoa nhỏ xíu uốn mình khoe sắc, mùi thơm ngai ngái tỏa ra khiến lòng người ngây ngất. Đây còn là thời điểm ong rừng đi hút mật, còn gì thú vị hơn khi được thỏa sức ngắm nghía từng đàn ong mê mẩn từng hạt phấn, “uống” từng giọt mật… như một quà tặng đặc biệt của tạo hóa. Bấy nhiêu đó cũng đủ để khách phương xa cảm nhận một Tây Nguyên đầy nắng gió, hùng vĩ nhưng không kém phần lãng mạn và nhiều mộng mơ. Lên Tây Nguyên  vào tháng 11 cho đến tháng 1 hằng năm, du khách sẽ khó lòng bỏ lỡ cơ hội được tận mắt xem, hái những chùm quả cà phê chín đỏ chứa đựng những tinh túy của đất trời. Mùa thu hoạch cà phê ở xứ sở này, đến để cảm nhận cái rộn rã, khí thế lao động hăng say, trên từng gương mặt sạm nắng của nông dân như sáng bừng lên sau những chùm quả trĩu đỏ…

Lang thang qua những rẫy cà phê bạt ngàn, xanh ngắt, đắm say ngắm từng đồi cà phê bung bông trắng xóa như tuyết đính trên cây hay đưa tay nhẹ hái từng chùm quả chín…, du lịch với cà phê, mùa nào cũng thật lý thú và nhiều cảm xúc cho du khách. Thế nhưng, thật thiếu sót nếu ai đã từng một lần đặt chân đến vùng  đất này rồi mà bỏ qua việc thưởng thức ly cà phê Buôn Ma Thuột chính hiệu. Hành trình thưởng thức cà phê cũng là hành trình thưởng ngoạn cảnh sắc và dư vị đặc trưng trong từng giọt đen tại nơi này. Mỗi quán cà phê ở phố núi là một cách bài trí và phong cách phục vụ khác nhau. Có thể là cà phê sân vườn rộng rãi, đậm chất văn hóa Tây Nguyên như Thiên đường cà phê Mê Hy Cô (159/3 Nguyễn Văn Cừ), hay tìm một không gian mở, được trang trí bằng nhiều cột đá với những tiểu cảnh lớn, nhỏ, hồ nước… như quán Huyền Thoại (71 A Y Moan). Với không gian của Làng Cà phê Trung Nguyên (ngã ba Lý Thái Tổ - Nguyễn Hữu Thọ) sẽ mang đến cho du khách nhiều điều thú vị để thưởng thức, chiêm ngưỡng kiến thức đặc biệt và tìm hiểu những gì liên quan đến cây cà phê, ngành công nghiệp chế biến cà phê. Còn cà phê Vị Đắng (115 Y Ngông) lại là lựa chọn lý tưởng cho những buổi cà phê cùng bạn bè, gia đình. Khách cũng có thể uống cà phê theo phong cách khác nhau ở ngay thủ phủ cà phê như tìm về nét cổ kính và đậm chất Huế với cà phê Không Gian Xưa (87 Y Ngông) hay ngồi ở cà phê Ấn tượng (47/2 Lý Thái Tổ), An Thái (A91 Khu Hiệp Phúc) ngắm nhìn khu Biệt thự để thấy sức sống của thành phố trẻ đang bừng lên. Với những ai muốn có một không gian riêng tĩnh lặng để vừa nhâm nhi ly cà phê vừa cảm nhận về cuộc sống thì đến với cà phê sách Thư viện (14 Ngô Quyền)… Có lẽ, cà phê ở đâu cũng có nhưng cà phê đậm chất Tây Nguyên phải được thưởng thức trên chính mảnh đất này, trong không gian văn hóa này. Có những người vượt xa hàng trăm cây số đến đây chỉ để nhâm nhi ly cà phê Buôn Ma Thuột chính hiệu. Nhiều lữ khách đã từng nói với tôi rằng, thành phố cao nguyên này đã để lại ấn tượng với họ từ những giọt cà phê đầu tiên khi nhấm nháp. Đơn giản, uống cà phê ở ngay xứ sở cà phê có cái đậm đà không thể lẫn vào đâu được, nó thường có màu vàng cánh gián, vị tê nhẹ đọng lại nơi đầu lưỡi, là thứ cà phê nguyên chất, được tạo nên ngay chính trên Buôn Ma Thuột khiến người uống một lần sẽ nhớ mãi! Tham gia tour thưởng thức cà phê, điều thú vị hơn cả với du khách là còn được tận mắt chứng kiến các quy trình làm ra ly cà phê thơm ngon đặc trưng. Tại nhiều quán, khi thực khách có nhu cầu uống thì người bán mới rang, xay tại chỗ rồi pha phin phục vụ khách. Chính việc ngồi đợi từng giọt đen chậm rãi nhỏ xuống, nghe tiếng lách tách rơi nhẹ khiến việc thưởng thức cà phê trở nên thi vị hơn.  

Không dám kỳ vọng gì nhiều nhưng  tin rằng, với sản phẩm du lịch đặc thù, mới lạ này, du lịch với  cà phê sẽ là trải nghiệm thú vị, độc đáo cho du khách khi đến với  Đắk Lắk. 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.