Multimedia Đọc Báo in

Nhân rộng hợp tác xã nông nghiệp điển hình tiên tiến: Lực đẩy cho kinh tế tập thể phát triển

16:34, 17/02/2016

Trên địa bàn Đắk Lắk, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều HTX nhất nhưng đây cũng là những HTX gặp nhiều khó khăn nhất. Tuy nhiên, các HTX điển hình tiên tiến ở lĩnh vực này cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành đòn bẩy cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Khẳng định vai trò HTX kiểu mới

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 356 HTX và 2 Liên hiệp HTX có tên trong sổ đăng ký kinh doanh, trong đó có 175 HTX nông nghiệp, 182  HTX phi nông nghiệp. Nhiều HTX nông nghiệp đã từng bước đổi mới mô hình hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, phát triển các ngành nghề, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên và các hộ nông dân; giúp hộ thành viên tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá có hiệu quả kinh tế cao.

Liên minh HTX tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất của HTX nông nghiệp 714.
Liên minh HTX tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất của HTX nông nghiệp 714.

Tiêu biểu là HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar). Được thành lập vào tháng 3 – 2011, HTX đã liên kết các hộ trồng cà phê, cùng cam kết ứng dụng và tuân thủ các tiêu chuẩn canh tác cà phê tiên tiến của thế giới để gia tăng giá trị của sản phẩm cà phê và nâng cao kiến thức thương mại. Hiện HTX có 97 thành viên tham gia chương trình cà phê bền vững FLO (có 4 hộ thành viên là người dân tộc thiểu số), với tổng diện tích trên 183 ha, tổng sản lượng trên 722 tấn. Đời sống của thành viên được nâng lên rõ rệt nhờ giá bán cà phê chứng nhận Fairtrade ổn định và cao hơn so với thị trường cà phê nhân xô từ 2.000 – 3.000 đồng/kg; cà phê chế biến ướt, giá bán cao hơn 6.000 đồng/kg. Lợi nhuận hằng năm tăng lên bình quân mỗi hộ được từ 25 – 30 triệu đồng/năm so với những hộ không tham gia vào HTX. Việc áp dụng các giải pháp thực hành nông nghiệp tốt, chất lượng sản phẩm được nâng cao, môi trường làng xã được cải thiện, mối quan hệ cộng đồng được gắn bó hơn.

Kiểm tra sản phẩm hạt ca cao được phơi khô sau khi lên men ở HTX Thành Đạt (huyện Ea Kar).
Kiểm tra sản phẩm hạt ca cao được phơi khô sau khi lên men ở HTX Thành Đạt (huyện Ea Kar).

Hay như HTX nông nghiệp 714 (xã Ea Pal, huyện Ea Kar), vượt qua muôn vàn khó khăn ban đầu khi phải gánh một khoản nợ khổng lồ trên 6 tỷ đồng do Nông trường 714 giải thể để lại, cùng với hệ thống hạ tầng như kênh mương, điện, đất ruộng bị lấn chiếm và hư hỏng nặng, đến nay HTX đã có chỗ đứng vững vàng nơi vùng đất xa xôi của huyện Ea Kar. Hiện HTX có 4 đội sản xuất, nằm trên địa bàn của 2 xã Ea Pal và xã Ea Ô; 26 thành viên và gần 600 hộ nhận khoán nằm rải rác trong 2 huyện Ea Kar và Krông Pắc. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đã làm tốt các dịch vụ như làm đất, cung cấp nước và phân bón. Đặc biệt, Ban quản trị HTX đã mạnh dạn kêu gọi thành viên góp vốn và huy động các nguồn vốn để mua máy cày, máy gặt, đồng thời kêu gọi đưa các loại máy hoạt động bên ngoài làm ăn đơn lẻ kết hợp với máy của HTX thành lập các tổ dịch vụ làm đất và tổ máy gặt ở 4 đội sản xuất, bảo đảm đủ công suất phục vụ gần 400 ha lúa cả HTX. Việc gieo sạ cũng được thực hiện tập trung theo hình thức cuốn chiếu nên tiết kiệm được thời gian bơm nước, rút ngắn thời gian gieo sạ gần 1 nửa, chỉ còn 15 -  20 ngày. Ngoài ra, HTX còn liên hệ với các trung tâm khuyến nông huyện, tỉnh; công ty giống, phân bón… để tổ chức hội thảo, tập huấn cho thành viên và người lao động tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất. Từ chỗ làm lúa thuần, năng suất chỉ đạt 6 - 6.5 tấn/ha, đến nay đa số thành viên và người lao động đã mạnh dạn đưa vào gieo trồng các loại lúa lai, năng suất bình quân đạt từ  8 - 10 tấn/ha/vụ, thậm chí có những hộ đạt 11 tấn/ha, trong đó có rất nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số…

Cần được nhân rộng

Trong 5 năm (2011-2015), từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình HTX điển hình ở các huyện Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Bông, Krông Ana và TP. Buôn Ma Thuột bằng việc hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh cho 21 lượt HTX hoạt động ở các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 800 triệu đồng. Trong đó chú trọng xây dựng HTX ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, ở nhiều lĩnh vực đều có các điển hình tiên tiến cần nhân rộng như: HTX vận tải Quyết Thắng, HTX nông nghiệp 714, HTX nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết, Quỹ tín dụng nhân dân Huy Hoàng… Mặc dù nguồn hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều, chủ yếu dựa trên nguồn lực của HTX nhưng kết quả của công tác xây dựng mô hình HTX điển hình trong năm qua đã đạt được những thành công nhất định, làm cho mô hình HTX kiểu mới càng thêm rõ nét, góp phần chuyển biến về nhận thức, bản chất, giá trị và vai trò của HTX kiểu mới. Mặc dù HTX nông nghiệp vẫn còn có nhiều khó khăn và hạn chế nhưng là mô hình thích hợp để hỗ trợ các hộ nông dân phát triển kinh tế, hình thành vùng sản xuất hàng hoá lớn, theo tiêu chuẩn đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, đồng thời giúp cho người dân thay đổi tập quán canh tác, nhất là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần tích cực vào chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Theo Liên minh HTX tỉnh, để các điển hình thực sự phát huy vai trò, hiệu quả, phát triển bền vững, Liên minh HTX tỉnh đã tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn các HTX hoạt động tuân thủ nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo luật; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt; tạo điều kiện thuận lợi đối với các HTX hoạt động có hiệu quả, có thương hiệu, uy tín trên thị trường. Trong giai đoạn 2016-2020, Liên minh sẽ tiến hành xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX mới, mô hình sản xuất – kinh doanh đạt hiệu quả cao như mô hình HTX nông nghiệp sản xuất cà phê bền vững; HTX sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, HTX môi trường; HTX cung cấp các dịch vụ xã hội… Xây dựng mỗi ngành 2 – 3 HTX điển hình tiên tiến, trong đó có 3 – 5 mô hình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc