Multimedia Đọc Báo in

Nông sản Đắk Lắk trước thềm hội nhập TPP

06:20, 13/02/2016

Ngày 5-10 vừa qua, Việt Nam đã chính thức hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một bước ngoặt mang tính lịch sử, có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế của đất nước. Với những đặc điểm tự nhiên khác biệt, cùng sự chuẩn bị chu đáo, các mặt hàng nông sản của Đắk Lắk chắc chắn sẽ có lợi thế lớn.

Nhiều lợi thế lớn

Theo quy định TPP, ở nội dung nông nghiệp, Việt Nam đã có những thỏa thuận quan trọng mở cửa thị trường với các nước TPP, qua đó hàng loạt hàng hóa Việt Nam sẽ được giảm thuế. Chẳng hạn, với Hoa Kỳ, khoảng 98% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam vào Mỹ sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đặc biệt, 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ được Mỹ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với các đối tác khác như Canada, Chile, Mexico... mức độ cam kết còn tốt hơn với mức độ xóa thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực cao hơn mức Hoa Kỳ dành cho Việt Nam. Nông sản nói chung là vậy, đối với các mặt hàng chủ lực của Đắk Lắk như cà phê, mật ong, hồ tiêu… sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia cùng xuất khẩu mặt hàng này nhưng không phải là thành viên của TPP. Chẳng hạn đối với cà phê, sản phẩm chiến lược của Đắk Lắk, trong số các nước thành viên TPP, chỉ có Peru và Mexico xuất khẩu cà phê, nhưng sản phẩm của những nước này chỉ là cà phê Arabica. Các nước có sản lượng xuất khẩu cà phê Robusta lớn, có thể cạnh tranh mạnh với cà phê Việt Nam là Brasil và Indonesia lại không nằm trong khối TPP. Hơn nữa, khi tham gia TPP, sản phẩm cà phê có lợi thế khi nhiều thành viên TPP là thị trường tiêu thụ nông sản lớn và đang có xu hướng mở rộng hơn như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore… Những thị trường này sẽ giúp chúng ta có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng không ổn định. Bên cạnh đó, trong thị trường rộng lớn TPP, Việt Nam còn có thể điều chỉnh linh hoạt, tốt hơn cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, hạn chế tình trạng được mùa mất giá đang diễn ra như thời gian qua. Hay đối với sản phẩm mật ong, một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong những năm gần đây, cũng sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất vào các nước trong TPP. 

Công nhân Công ty Cao su Krông Búk đang cạo mủ.Ảnh: THUẬN NGUYỄN
Công nhân Công ty Cao su Krông Búk đang cạo mủ. Ảnh: THUẬN NGUYỄN

Đã có sự chuẩn bị tốt

Mặc dù TPP không cho phép các thành viên áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt hay còn gọi là “hàng rào kỹ thuật” để bảo hộ nông sản trong những điều kiện nhất định đối với hàng nông sản có xuất xứ từ khu vực TPP, nhưng bằng các biện pháp khác nhau, các nước vẫn có thể tạo nên “hàng rào kỹ thuật” của riêng mình. Do vậy, việc bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong TPP vẫn phải được thực hiện. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Quốc Thích cho rằng, sản phẩm cà phê của Đắk Lắk đã có những động thái có thể xem là “đi tắt đón đầu”, khi mà gần chục năm gần đây, qua nhiều kênh khác nhau, người trồng cà phê Đắk Lắk ít nhiều được tiếp cận với chương trình sản xuất cà phê bền vững và đã có những thay đổi đáng kể trong nhận thức. Thuật ngữ “cà phê bền vững có chứng nhận, kiểm tra” đã trở nên quen thuộc. Đó chính là một số chương trình chứng nhận cà phê bền vững như UTZ Certified, 4C, Thương mại công bằng (Fairtrade), Liên minh rừng mưa (Rainforest Alliance)… đã được ứng dụng trên địa bàn tỉnh. Ông Huỳnh Quốc Thích lấy ví dụ chẳng hạn như từ năm 2001, nông dân trồng cà phê tại Đắk Lắk đã áp dụng bộ tiêu chí UTZ Certified vào sản xuất. Đây là chương trình chứng nhận nông sản bền vững được quốc tế công nhận về sản xuất có trách nhiệm trong 3 lĩnh vực: kinh tế, môi trường và xã hội. Những công nhận này rất quan trọng khi nông sản tham gia vào thị trường thế giới, nhất là với những nước thuộc TPP. Ông Huỳnh Quốc Thích cho biết thêm, đối với các sản phẩm chăn nuôi, bằng sự đầu tư của các đơn vị như Công ty TNHH Liên hợp công nông nghiệp và phát triển bền vững Sao Đỏ, Công ty CP Đầu tư XNK Phước Thành, tập đoàn TH True Milk, Hoàng Anh Đắk Lắk… có quy mô tổng đàn lên đến hàng nghìn con, nuôi bằng quy trình, công nghệ hiện đại cũng sẽ giúp sản phẩm chăn nuôi của tỉnh tự tin thâm nhập thị trường thế giới.

Đưa cà phê tươi vào chế biến ướt tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi. Ảnh: LÊ NGỌC
Đưa cà phê tươi vào chế biến ướt tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi. Ảnh: LÊ NGỌC

Không thể phủ nhận bên cạnh thuận lợi, TPP cũng mang lại thách thức rất lớn. Tuy nhiên với chiến lược đúng đắn, cùng nền tảng vững chắc, các mặt hàng nông sản chiến lược của tỉnh hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng. Từ đó sẽ giải quyết thêm nhiều việc làm và gia tăng thu nhập cho người lao động khi mở rộng sản xuất; trình độ, kỹ năng người lao động cũng sẽ được cải thiện tốt hơn trong môi trường cạnh tranh. 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.