Thêm yêu hàng Việt…
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, dù kinh tế có khấm khá hay không thì việc sắm sửa chu đáo mâm cỗ đón tết để tiếp đãi bạn bè, người thân đã trở thành thói quen không thể thiếu của mỗi người Việt. Đặc biệt hơn, khi đời sống có nhiều đổi thay thì không ít người vẫn giữ thói quen chọn mua hàng Việt như bánh trái, đồ uống, thực phẩm để cái tết cổ truyền thêm dư vị đậm đà, dân dã.
Đến hẹn lại lên, cứ tết đến, ông Nguyễn Văn Sinh (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) lại tìm mua cho bằng được chai rượu Phú Lễ hoặc rượu hồng đào để trong nhà ba ngày tết. Ông nói, tết mà không có chai rượu nếp, rượu gạo truyền thống để dâng lên bàn thờ tổ tiên thì đâu còn là tết. Bao nhiêu năm sống ở thị thành nhưng mỗi dịp tết đến, ông vẫn quen với hương vị nồng nàn của loại rượu này. Ngày tết, khi có khách đến chơi, ông lại mời khách nhấm nháp từng ngụm rượu để cùng nhau cảm nhận hương vị quê nhà. Với đồ uống khác, ông chỉ chọn mua bia 333 hoặc Huda để tiếp đãi bạn bè, dù gần đây, bia ngoại tràn vào thị trường Việt Nam khá nhiều. Theo ông, tết xài hàng Việt để thấy mùa xuân của dân tộc ý nghĩa hơn, tình quê hương vì thế cũng thêm thấm đượm, gần gũi.
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán tại Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột. |
Cùng với việc chọn mua cho bằng được một vài đĩa nhạc Xuân thì thực phẩm trong gian bếp của gia đình chị Trịnh Thị Minh Tâm (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) nhất thiết phải là hàng Việt. Chị nói vui, tết Việt xài hàng Việt thì mới là… tết của người Việt! Để giữ hương vị tết cổ truyền, chị không mua rượu ngoại, cũng nói không với bánh Thái, bia Tiệp… mà thay vào đó, chỉ chọn mua bánh kẹo, trái cây, thậm chí đồ thờ, nén hương đều là hàng trong nước. Tết Việt dường như đang về trong từng gian bếp nhà chị khi hộp bánh của Kinh Đô, bia 333, mứt Xuân Hồng, vài ký đường Biên Hòa, mấy cây giò chả Lan Liễu, Bà The, măng khô ngon nức tiếng Ban Mê… đã ngập sắc đỏ để sẵn trên các kệ đồ. Vài năm trở lại đây, dù điều kiện kinh tế gia đình đã khấm khá hơn nhưng chị vẫn giữ thói quen xài hàng Việt bởi đâu chỉ đơn thuần là giá rẻ, hàng có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người thân mà quan trọng hơn, để thấy không khí tết Việt nhuần nhị. Vì thế mà cho dù có tất bật chuẩn bị bao nhiêu là thứ đón Xuân nhưng mâm cỗ cúng giao thừa của nhà chị bao giờ cũng phải đầy đủ khay bánh quy, mứt dừa, mứt gừng Huế, thịt đông, canh khổ qua kèm theo chai rượu gạo làng Thủy Dương…
Để thêm dư vị cho ngày tết cổ truyền của dân tộc, bên cạnh việc chuẩn bị bánh mứt, hoa cảnh thì ngày nay, không ít người dân đã ý thức hơn trong việc chọn mua hàng thực phẩm công nghệ, nước giải khát… đều là hàng Việt, vì đơn giản với họ, xài hàng Việt để mang tết Việt về nhà. Dễ thấy hơn, từ khi triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ phủ sóng của hàng Việt được nâng lên thấy rõ. Chưa vội bàn về vấn đề chất lượng, mẫu mã sản phẩm của doanh nghiệp Việt, nhưng không thể phủ nhận, trên thực tế, nhiều người tiêu dùng (NTD) đón nhận, đặt niềm tin và chọn mua hàng Việt, trước hết vì lòng yêu nước. Đại diện một trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, dù hàng Việt đâu đó vẫn còn một vài “điểm trừ” nhưng nhiều NTD trên địa bàn vẫn ưu tiên chọn mua vì với họ, xài hàng Việt mới là yêu nước, thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Hơn nữa, kinh tế vẫn chưa hết khó khăn nên NTD đang có xu hướng kén chọn, cân nhắc hơn trong chi tiêu. Vì thế, hàng Việt vẫn được coi là một giải pháp khá hợp lý. Ví như nhiều bà mẹ trẻ hiện nay đang có xu hướng tìm về sữa nội với mong muốn có được sản phẩm chất lượng, an toàn, giá phù hợp cho con, em mình. Dường như đã qua rồi cái thời “sữa ngoại mới tốt”, thay vì mua hộp sữa ngoại có giá gần 1 triệu đồng, không ít người chọn mua sữa nội chỉ bằng 1/3 giá tiền mà chất lượng cũng không kém cạnh.
Xuân này, nhiều thương hiệu Việt đã trở nên quen thuộc với người dân Đắk Lắk như bánh kẹo của Hải Hà, Kinh Đô, Bibica, sữa Vinamilk, may mặc của Việt Tiến, Bảo Thy, An Phước, đồ gia dụng của Đại Đồng Tiến, nhựa Chợ Lớn, và dĩ nhiên không thể thiếu sản phẩm “made in Đắk Lắk” như bánh mì Thành Phát; giò chả Bà The; rau, củ của Hợp tác xã rau an toàn Toàn Thịnh (Cư M’gar)… Theo ghi nhận, nhiều năm trở lại đây, NTD đã có cái nhìn thiện cảm hơn với hàng Việt, tâm lý sính ngoại dần thay đổi, việc tiêu thụ hàng nội vì thế cũng được đẩy cao trong dịp cao điểm sắm tết. Từ thực phẩm thiết yếu đến hàng gia dụng, ít nhiều đều có mặt trong mỗi gia đình Việt mỗi khi Xuân về. Theo đại diện siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột, hàng Việt ngày càng nhiều trong giỏ đồ tết của NTD trên địa bàn, từ thực phẩm, bánh kẹo, trái cây, nước giải khát đến hàng gia dụng, may mặc. Tại đơn vị, hàng Việt được ưu tiên cho mùa mua sắm tết lên đến trên 90%.
Với nhiều người, việc chọn mua hàng Việt chưa hẳn là vì tiết kiệm, giảm bớt gánh nặng chi tiêu vào dịp tết mà còn là một cách thiết thực để thể hiện sự tự tôn dân tộc trong một cái Tết cổ truyền đúng nghĩa.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc