Xây dựng nông thôn mới: Nhiều tiêu chí đạt rồi nhưng sẽ khó giữ
Tuy nhiên, một số tiêu chí đạt được nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, nhưng khi đạt rồi vẫn khó duy trì như: Tiêu chí 17 về môi trường, ngoài việc phải đạt tỷ lệ từ 85% hộ dân sử dụng nước sạch, các cơ sở xuất kinh doanh đạt chuẩn về môi trường; không có hoạt động suy giảm về môi trường... thì còn phải thu gom chất thải, nước thải theo quy định. Trong thực tế địa bàn nông thôn nói chung, nông thôn miền núi nói riêng rất rộng, nhiều khu dân cư nằm cách xa nhau, mặc dù địa phương đã đầu tư kinh phí xây dựng bãi rác tập trung, xây dựng bể lưu chứa chất thải nguy hại đồng ruộng, mua sắm phương tiện thu gom rác thải nhưng hằng ngày lượng rác thải do người buôn bán từ nơi khác vứt đổ khi đi ngang qua những đoạn đường vắng, xa khu dân cư xảy ra khá phổ biến; hạ tầng giao thông nông thôn chưa đồng bộ, mỗi khi mùa mưa đến do không có hệ thống thoát nước nên vẫn diễn ra tình trạng “ao tù, nước đọng”; trong sản xuất, nông dân ngày càng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Để đạt được tiêu chí 19 về an ninh trật tự xã hội, phải bảo đảm 4 chỉ tiêu; trong đó có chỉ tiêu thực hiện tốt công tác phòng ngừa các loại tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác; kiềm chế làm giảm các loại tội phạm, tai nạn và tệ nạn xã hội so với năm trước; không để xảy ra tội phạm nghiêm trọng và không có công dân ở khu dân cư phạm tội nghiêm trọng từ 7 năm tù trở lên; nếu xảy ra tội phạm thì báo ngay cho cấp có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, mặc dù lực lượng công an của địa phương không ngừng được xây dựng, kiện toàn, củng cố đi vào hoạt động và xử lý các vụ, việc có hiệu quả, thành lập nhiều mô hình tự quản trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều năm liền được các ngành chức năng khen thưởng và xã được công nhận đạt tiêu chí này, nhưng trong năm tiếp theo trên địa bàn chỉ cần xảy ra 1 vụ trọng án hoặc xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng cũng như nếu có phát sinh tệ nạn thì tiêu chí này cũng sẽ không được công nhận. Thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi và xảo quyệt, chúng thường lợi dụng vùng giáp ranh hoặc sự sơ hở để hoạt động nên khó quản lý. Trong thực tế có những vụ việc “tai bay vạ gió”, đối tượng là người từ nơi khác đến gây án trên địa bàn, hoặc xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến chết người do người điều khiển phương tiện không phải là người địa phương gây ra. Dù lực lượng công an địa phương đã có mặt kịp thời xử lý hoặc báo về cấp trên xử lý theo thẩm quyền, không để xảy ra diễn biến xấu song với quy định trên thì đương nhiên năm đó địa phương sẽ không được công nhận đạt tiêu chí 19. Vậy, với những xã đã được công nhận xã nông thôn mới, những năm sau nếu có xảy ra những tai nạn, tệ nạn nêu trên, thì việc xác định đạt tiêu chí này ra sao?
Việc phấn đấu đạt các tiêu chí đã khó, để giữ được tiêu chí lại càng khó hơn. Vì vậy, để tránh tình trạng đánh giá theo cảm tính, các cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, đồng thời bổ sung yếu tố chủ quan, khách quan vào các chỉ tiêu để có cơ sở đánh giá công nhận các tiêu chí một cách chính xác hơn.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc