Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Vẫn còn mang tính tự phát

09:09, 01/03/2016

Những năm qua, ngành Nông nghiệp Đắk Lắk đã tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện vẫn còn mang tính tự phát, thiếu liên kết.

Người dân huyện Cư M’gar tham quan mô hình ngô lai tại xã Quảng Hiệp.
Người dân huyện Cư M’gar tham quan mô hình ngô lai tại xã Quảng Hiệp.

Chạy theo phong trào

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của Đắk Lắk. Nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển, công tác quy hoạch, định hướng phát triển các cây, con chủ lực trên cơ sở phân tích lợi thế vùng miền để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi luôn được các cấp, ngành quan tâm. Phần lớn các diện tích trồng lúa bấp bênh nguồn nước, kém hiệu quả được định hướng chuyển sang trồng các loại hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các cấp, ngành đoàn thể cũng vào cuộc hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ dân sản xuất giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, người dân vẫn chạy đua theo thị trường tức thời, thiếu bền vững khiến quy hoạch nông nghiệp liên tục bị phá vỡ, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng cũng như rủi ro trong tương lai. Một nông dân tại thị xã Buôn Hồ thừa nhận, toàn bộ 2 ha cà phê của gia đình nay đã được xen canh tiêu với mật độ khá dày (1x1 m), vài năm nữa, khi tiêu bám lên trụ khoảng 1,5 m bắt buộc gia đình phải lựa chọn một trong hai loại cây trồng. Có thể, đến lúc đó tiêu không có giá trị như thời điểm hiện tại nhưng thấy các hộ lân cận trồng xen mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình cũng vay mượn người thân để mua trụ trồng tiêu. Không chỉ có tâm lý phong trào, bất chấp điều kiện đất đai, kinh tế của gia đình không phù hợp, nhiều nông dân đến nay vẫn còn thói quen trồng một loại cây trên một diện tích trong nhiều năm liền mà không chuyển đổi cơ cấu giống khiến tình trạng sâu bệnh tích tụ qua nhiều năm có điều kiện bùng phát gây hại... kéo theo năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra ngày càng giảm sút. Đặc biệt là tình trạng sử dụng lúa thịt (lúa để ăn), đậu của vụ trước làm giống cho vụ sau vẫn còn khá phổ biến. Ông Phạm Công Thành, xã Ea Bung (Ea Súp) chia sẻ, gia đình có 10 ha ruộng, nhưng giá lúa rất bấp bênh, nếu trồng giống mới thì chi phí đầu tư lên tới hàng chục triệu đồng, đó là chưa tính đến trường hợp phải gieo đi gieo lại nhiều lần nếu gặp bất lợi. Do đó, để tiết kiệm chi phí mua giống, gia đình ông thường lựa chọn theo “cảm tính”, chọn đám lúa đẹp nhất, tốt nhất của mình hoặc của các hộ trong vùng mua về làm giống. Nhiều vụ lúa sinh trưởng, phát triển tốt nhưng đến thời điểm trổ bông không đồng loạt, hạt lép nhiều hoặc hạt tạp, cỏ dại nhiều khiến chi phí thuốc bảo vệ thực vật tăng, lợi nhuận không cao.

Mô hình xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê ở xã Ea Púk, huyện Krông Năng.
Mô hình xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê ở xã Ea Púk, huyện Krông Năng.

Cần có doanh nghiệp đỡ đầu

Trên thực tế, quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ngoài chịu ảnh hưởng yếu tố nội tại trong tập quán canh tác, sản xuất của người dân còn chịu tác động bởi yếu tố bên ngoài như cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thiếu đồng bộ; hệ thống thủy lợi, điện cơ sở chế biến… còn thiếu, yếu; công nghệ chế biến sau thu hoạch còn hạn chế khiến chất lượng sản phẩm chưa cao, khó cạnh tranh; công tác kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức… Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết, do đặc thù thời tiết khí hậu nắng nóng nên trên địa bàn huyện thường xảy ra tình trạng hạn hán kéo dài khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, thậm chí mất trắng. Để ứng phó với tình trạng trên, huyện ưu tiên sử dụng các giống lúa cạn, lúa nước ngắn ngày có khả năng chống chịu hạn và phổ biến hiện nay vẫn là ML48. Tuy nhiên, người dân địa phương đã sử dụng chủng loại giống này nhiều năm, gieo liên tục qua các mùa nên hiện nay đang xuất hiện hiện tượng thoái hóa, chai đất. Một số nông dân đã tự chuyển đổi sang gieo trồng các giống khác nhưng nhu cầu nước của các giống này lớn hơn khiến năng suất, chất lượng lúa không đạt. Huyện mong muốn UBND tỉnh có đề tài nghiên cứu khoa học cụ thể hoặc có chính sách thu hút đầu tư thích hợp để doanh nghiệp cùng chung tay tìm giống lúa mới có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Ea Súp nhằm thay thế giống lúa truyền thống ML48, từng bước nâng cao chất lượng lúa gạo của địa phương.

Dễ dàng nhận thấy, chủ trương, định hướng của các ngành chức năng đều có nhưng giá cả nông sản bấp bênh, người dân sản xuất theo tâm lý phong trào, ồ ạt chuyển đổi từ cây này sang cây khác là điều dễ hiều. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, các ngành chức năng đều nắm bắt được thực trạng chuyển đổi ồ ạt, phá vỡ quy hoạch nông nghiệp nhưng chỉ có thể dừng lại ở mức khuyến cáo mà thôi, bởi đất đai thuộc quyền quản lý của các hộ dân, trồng cây gì nuôi con gì là quyền quyết định của họ, khi tìm được cây trồng thích hợp, có doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn đường thì sự thể sẽ thay đổi. Để thúc đẩy chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp), xây dựng các mô hình thí điểm nhằm đưa các giống cây, con mới phục vụ sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

 Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.