Giao dịch cà phê trên sàn quốc tế: "Giấc mơ" bao giờ thành hiện thực? (Kỳ 1)
Với vị thế là thủ phủ của Tây Nguyên, Đắk Lắk có sản lượng cà phê chiếm khoảng 50% tổng sản lượng của cả nước. Việc tạo lập kênh lưu thông hàng hóa tập trung sử dụng công nghệ hiện đại bên cạnh thị trường hàng hóa truyền thống là hết sức cần thiết. Thế nhưng cho đến nay, giao dịch qua sàn vẫn chỉ là “giấc mơ” đối với nông dân trồng cà phê.
Kỳ 1: Sản xuất giỏi chưa bằng bán giỏi
Là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và của cả nước, nhưng trong nhiều năm qua, giá trị xuất khẩu của cà phê luôn không tương xứng với tiềm năng của nó. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do phương thức giao dịch mặt hàng này của Việt Nam còn lạc hậu, dẫn đến giá mua đều do… người mua quyết định.
Không còn điệp khúc “mất mùa được giá”
Lâu nay, người trồng cà phê luôn phải “đau đầu” với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá, mất mùa”. Nhưng vài năm trở lại đây, họ còn phải “đau đầu” hơn nữa khi mất cả mùa, mất cả giá. Đơn cử như niên vụ cà phê 2014-2015, không chỉ là niên vụ thứ 3, sản lượng cà phê của Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng sụt giảm về sản lượng mà cũng là niên vụ giá cà phê xuống thấp nhất trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), lượng cà phê xuất khẩu của niên vụ 2014 – 2015 chỉ còn 20 triệu bao (60 kg/bao), giảm 19,2% so niên vụ trước, trong khi đó giá xuất khẩu hiện chỉ còn 1.800 USD/tấn, giảm từ 300 – 400 USD/tấn so với niên vụ trước. Riêng Đắk Lắk, niên vụ 2014-2015, xuất khẩu cà phê chỉ đạt 177.097 tấn (giảm 51.271 tấn so với niên vụ 2013-2014), chiếm tỷ trọng 14% so với cả nước; kim ngạch xuất khẩu hơn 364 triệu USD (giảm hơn 140 triệu USD). Giá xuất khẩu giảm thê thảm và hiện đã giảm xuống dưới giá thành sản xuất khiến nông dân và nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Ông Hồ Văn Tây, một người trồng cà phê lâu năm tại TP. Buôn Ma Thuột cho biết, chưa năm nào sản lượng lại thấp như năm nay, hơn 1 ha cà phê của nhà ông năm nay chỉ thu được khoảng 2 tấn cà phê nhân. “Cả năm chỉ trông chờ vào vườn cà phê, bao nhiêu công sức, tiền của đều đầu tư vào đó, nhưng giá thấp thế này, tiết kiệm lắm may ra cũng chỉ hòa vốn, gia đình vừa bán chỉ với giá 32 ngàn đồng/kg. Vẫn biết bán giá này lỗ nhưng phải bán để có tiền trả công, phân bón, thuốc trừ sâu...”, ông Tây chia sẻ. Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân G., một chủ DN kinh doanh cà phê tại thị trấn Quảng Phú (Cư M'gar) đang tích trữ mấy trăm tấn cà phê thì như đang "ngồi trên lửa" bởi giá thấp. Anh G. cho biết, để tích trữ cà phê anh đã vay tiền ngân hàng, huy động nguồn tiền bên ngoài và mua hàng từ niên vụ trước với giá cao. Với tình trạng giá lao dốc bất ngờ như hiện nay anh đang bị thua lỗ nặng. Càng găm nhiều hàng càng lỗ. Nếu giá như hiện nay, chỉ trong thời gian ngắn nữa, không ít DN đang “ôm” hàng nhiều từ niên vụ trước sẽ phá sản.
Nông dân huyện Krông Ana thu hoạch cà phê. |
Khi giá cà phê phụ thuộc vào người mua
Người nông dân làm ra sản phẩm, nhưng giá cả lại phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường thế giới. Mà giá thế giới thì ai cũng biết phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thời tiết, cán cân cung – cầu, chất lượng…, nhưng quan trọng nhất là giá cà phê hiện đang được quyết định bởi các nhà đầu cơ tài chính quốc tế. Sở dĩ giá cà phê niên vụ 2014-2015 thấp như vậy là do thị trường thế giới biến động mà chủ yếu là biến động về giá vàng, dầu thô và biến động tỷ giá của đồng USD với các đồng tiền khác khiến các nhà đầu cơ điều chỉnh suất đầu tư vào lĩnh vực có lợi nhất, và khi đó, thường các nhà đầu cơ nhanh chóng bán ra thu tiền làm giá cà phê rớt nhanh. Chưa kể lâu nay, khi tham gia mua bán cà phê trên thị trường thế giới, do không chủ động được, đa phần phía Việt Nam phải bán trừ lùi từ 50-100 USD/tấn cà phê, và tính trung bình mỗi năm cà phê Việt Nam mất đi khoảng 150 triệu USD khiến giá đã giảm lại càng giảm hơn. Với diễn biến thị trường như vậy, dù Việt Nam là một trong những nước có sản lượng cà phê Robusta lớn thứ 2 thế giới (sau Brasil), nhưng vẫn không có cơ hội được “làm giá” chính sản phẩm của mình làm ra. Do vậy, nông dân làm cà phê khó tránh được nạn phải bán dồn dập hàng thực khi giá thị trường tăng để rồi bị ép giá.
Nông dân huyện Krông Pắc thu hoạch cà phê niên vụ 2015-2016. |
Có thể nói, với một sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có tính đặc thù, nhưng việc không có khả năng quyết định giá bán đang khiến người trồng cà phê thiệt thòi và ngoại tệ thu về từ xuất khẩu mặt hàng này không tương xứng với lợi thế vốn có của nó.
(còn nữa)
Giang Nam
Kỳ 2: Nỗ lực “Lên sàn” bất thành
Ý kiến bạn đọc