Multimedia Đọc Báo in

Giao dịch cà phê trên sàn quốc tế: "Giấc mơ" bao giờ thành hiện thực? (Kỳ 2)

10:35, 22/03/2016

Kỳ 2: Nỗ lực “lên sàn” bất thành

Với mong muốn nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam, trong nhiều năm qua, Đắk Lắk đã xây dựng phương án mua bán cà phê qua sàn giao dịch. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, việc giao dịch cà phê qua sàn vẫn chưa thực sự đi vào thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn.

Hai lần chuyển đổi mô hình

Cuối năm 2008, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) ra đời và đi vào hoạt động. Mục tiêu hướng đến của nó là trở thành nơi giao dịch cà phê tập trung theo định hướng của Chính phủ; góp phần định hướng quy hoạch nguồn nguyên liệu chuẩn về cà phê, giúp cho nông dân chuẩn bị kế hoạch đầu tư, sản xuất theo tín hiệu giá cả của thị trường, kết nối các DN và người sản xuất, làm chủ trong hoạt động xuất khẩu cà phê; tạo lập một thị trường giao dịch tập trung, công khai, minh bạch, bảo hiểm rủi ro… Tuy nhiên, sau hơn 5 năm hoạt động, mặc dù Trung tâm đã rất cố gắng phát triển thành viên với hàng loạt chương trình hội thảo giới thiệu hoạt động và hướng dẫn quy định về giao dịch, nhiều đợt tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà đầu tư, các đợt đào tạo, tập huấn... nhưng vẫn khó phát triển thành viên, đặc biệt là với nông dân trồng cà phê. Khối lượng cà phê giao dịch qua trung tâm cũng ngày càng giảm… Giai đoạn từ năm 2014 trở về sau, trên danh nghĩa vẫn còn hoạt động nhưng không mang lại hiệu quả, đến nay, BCEC được chuyển đổi hình thức hoạt động với tên gọi Công ty cổ phần Sở giao dịch hàng hóa và cà phê Buôn Ma Thuột (BCCE). Với mô hình hoạt động và mục tiêu mà BCCE đặt ra, đã thắp lên tia hy vọng rất lớn…

Các đại biểu cắt băng khai trương BCCE đã thắp lên tia hi vọng mới cho cà phê Việt Nam “lên sàn”
Các đại biểu cắt băng khai trương BCCE đã thắp lên tia hi vọng mới cho cà phê Việt Nam “lên sàn”

Kỳ vọng và... ngõ cụt!

Phải nói ngay, mô hình mà BCCE áp dụng được xem là một trong những mô hình tối ưu trong giao dịch, kinh doanh nông sản và đã được nhiều nước có sản phẩm nông nghiệp đặc thù áp dụng thành công (Sàn giao dịch Bursa của Malaysia, chuyên giao dịch sản phẩm dầu cọ). BCCE tiến hành giao dịch với 2 sản phẩm giao ngay (spots) và hợp đồng tương lai (futures). Điểm khác nhau giữa BCCE và BCEC là mọi thông tin trên sàn mới này sẽ được kết nối trực tiếp với sàn giao dịch hàng hóa ở London (LIFFE, Anh). Nếu giao dịch qua cách mới ở trên sàn BCCE, cà phê Việt Nam sẽ không còn bán theo cách trừ lùi. Điều quan trọng khiến việc BCCE ra đời mang đến nhiều kỳ vọng vì đây là sàn do công ty tư nhân quản lý, sẽ thiết lập được thị trường giao dịch cà phê thông qua sàn giao dịch với phương thức giao ngay, có hàng thực và giao sau theo từng kỳ hạn của hợp đồng giao dịch cà phê Robusta với mục đích nhằm giảm khâu trung gian, tạo môi trường mua bán trực tiếp và điều kiện thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh, cũng như các nhà đầu tư tài chính sử dụng tính công khai, minh bạch, an toàn. Quan trọng hơn, những bất cập của BCEC như quy định về hoạt động tạo lập thị trường, hướng dẫn hoạt động của ngân hàng thanh toán bù trừ, thuế, phí, chủ động trong các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, khó khăn về tài chính dẫn đến không triển khai được hoạt động hỗ trợ, tạo dựng thị trường giao dịch… đều được BCCE giải quyết.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu trao Chứng nhận đầu tư cho BCCE trong ngày khai trương.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu trao Chứng nhận đầu tư cho BCCE trong ngày khai trương.

Lý thuyết là vậy, nhưng kể từ khi ra đời đến nay, BCCE cũng chỉ thay được “cái vỏ”. Sau hơn 1 năm tồn tại, BCCE không thể phát triển được thành viên và chưa thực hiện được giao dịch nào và đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”.

(còn nữa)

Giang Nam

Kỳ cuối: Vì đâu nên nỗi?

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.