Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Chú trọng phát triển kinh tế trang trại

11:40, 02/03/2016

Trong những năm qua, nhiều nông dân huyện Ea Kar đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tiến hành áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất  nhằm giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận.

Theo thống kê của phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, trên địa bàn hiện có 86 trang trại, trong đó có 14 trang trại tổng hợp, 49 trang trại chăn nuôi, 21 trang trại trồng trọt, 2 trang trại thủy sản với tổng diện tích 544 ha. Trong năm 2015, giá trị sản xuất từ những trang trại này đạt 185,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 343 lao động.
Anh Đoàn Tâm Kê đang kiểm tra gà giống trước khi xuất bán cho khách hàng.
Anh Đoàn Tâm Kê đang kiểm tra gà giống trước khi xuất bán cho khách hàng.

Điển hình có trang trại chăn nuôi gà giống của anh Đoàn Tâm Kê (thôn 1, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) có quy mô sản xuất (giống gà ta thuần chủng và gà ta lai chọi) lớn nhất ở địa phương này. Anh Kê cho biết, năm 2009 bắt đầu đầu tư mở lò ấp gà giống, với số vốn ban đầu ít ỏi anh phải đi gom từng quả trứng trong các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở địa phương về ấp để bán giống. Từ những kinh nghiệm đúc rút được và những kiến thức học trong nhà trường (anh vốn là kỹ sư chăn nuôi), năm 2010 đã mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại gà giống với quy mô lớn từ 2000-3000 con gà giống/tuần lên 10.000 con/ tuần. Năm 2015, anh đầu tư gần 1 tỷ đồng mua mới 6 lò ấp trứng công nghiệp với công suất 20.000 trứng/lần ấp để thay thế cho số lò ấp thủ công sử dụng trước đây. Việc đầu tư hệ thống ấp trứng công nghiệp này giúp nâng tỷ lệ nở lên khoảng 85%, cao hơn nhiều khi sử dụng lò ấp thủ công (chỉ khoảng 60%). Không chỉ vậy, gà giống được ấp bằng lò công nghiệp có chất lượng đồng đều, khỏe mạnh  nên được khách hàng đánh giá cao, bán được giá. “Bây giờ ngành chăn nuôi đang trong xu thế hội nhập với thế giới, do đó nếu không kịp thời thay đổi tư duy, nhanh chóng áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt thì sẽ lạc hậu, hiệu quả kinh tế mang lại cũng thấp đi”- anh Kê chia sẻ. Đi đôi với việc ấp giống, trang trại còn phát triển đàn gà giống bố mẹ khoảng 12.000 con, bảo đảm nguồn cung cấp trứng, chất lượng cao cho việc ấp giống. Hiện nay, mỗi tuần trang trại của anh bán ra thị trường trong và ngoại tỉnh khoảng 12.000 con gà giống, với giá bán khoảng 12.000/con, trừ chi phí lãi ròng 6 ngàn đồng/con, mỗi năm, trang trại thu lãi khoảng hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ bán giống, nhằm giúp khách hàng mua giống của trang trại yên tâm sản xuất, anh còn nhận bao tiêu sản phẩm gà thịt cho họ khi gặp khó khăn về đầu ra.

Không chỉ riêng trang trại của gia đình anh Kê, ở huyện Ea Kar còn có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn như trang trại chăn nuôi heo thịt với quy mô hơn 1.200 con/năm của ông Trần Văn Khuôn (thôn Quyết Thắng 1, xã Ea Tý); quy mô 1.700 con/năm của bà Nguyễn Thị Kim Ngộ (ở thôn 5 xã Ea Sô)… Ông Y Glên Byă, phó phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết, những năm qua, kinh tế trang trại ở địa phương đã có bước phát triển mạnh, nhiều trang trại được đầu tư quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy  ngành sản xuất nông nghiệp địa phương theo hướng hàng hóa; khai thác được tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động; góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi …Tuy nhiên, mô hình kinh tế trang trại ở địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn như cơ sở vật chất kỹ thuật còn lạc hậu; thiếu vốn để mở rộng sản xuất; năng lực quản lý của các chủ trang trại còn hạn chế; lao động làm việc ở các trang trại yếu về chuyên môn, kỹ thuật… Do đó, trong thời gian tới, địa phương kiến nghị với các ngành chức năng của tỉnh xem xét giải quyết những khó khăn về vốn cho các trang trại để mở rộng sản xuất; tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý của các chủ trang trại và các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân… để kinh tế trang trại thực sự phát huy được vai trò chủ lực trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương.  

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.