Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ khoai lang

09:00, 23/03/2016
Tận dụng diện tích lúa bị bỏ hoang do thiếu nước vụ đông xuân tại một số xã trên địa bàn huyện, anh Trần Quốc Tuấn (thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê, huyện Lắk) tiến hành thuê đất để trồng khoai lang.

Bắt đầu trồng khoai lang Nhật từ năm 2013 với diện tích 3 sào, anh Tuấn đầu tư cả tiền giống, phân bón và mua dầu bơm nước hết gần 6 triệu đồng/sào. Sau khi thu hoạch, với 3 sào anh đã thu lãi được gần 10 triệu đồng/vụ. Nhận thấy được giá trị của khoai lang Nhật hơn hẳn việc trồng lúa và trồng ngô lai, sang năm thứ hai anh Tuấn nhân rộng diện tích trồng khoai lang Nhật với diện tích hơn 5 ha và tiếp tục thu lãi cao. Vụ đông xuân năm 2015 – 2016, anh đã tiến hành trồng 10 ha khoai lang Nhật tại xã Bông Krang (huyện Lắk). Hiện nay 10 ha trồng khoai lang Nhật của anh Tuấn đã cho củ và phát triển rất tốt, thương lái đến mua tận vườn với giá hơn 7.000 đồng/kg. Anh Tuấn cho biết, sau khi trừ chi phí anh lãi gần 25 triệu đồng/ha, với 10 ha năm nay anh lãi gần 250 triệu đồng.

Anh  Trần Quốc Tuấn  đang thăm ruộng  khoai lang  tại xã  Bông Krang (huyện Lắk).
Anh Trần Quốc Tuấn đang thăm ruộng khoai lang tại xã Bông Krang (huyện Lắk).

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Tuấn còn động viên nhiều bà con nông dân tích cực chuyển từ trồng lúa và ngô vụ đông xuân sang trồng khoai lang Nhật. Anh Phạm Lê Hà, một người dân tại xã Bông Krang, sau khi được anh Tuấn hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất cũng mạnh dạn trồng 3 sào khoai lang Nhật. Anh Hà cho biết: ‘‘Khi trồng khoai lang Nhật, tôi cũng phân vân lắm do chưa có kinh nghiệm, hơn nữa chi phí trồng khoai lang lại khá cao. Nhưng khi được anh Tuấn tích cực hướng dẫn cách trồng và chăm sóc, lại có thương lái đến mùa tận vườn, tôi rất yên tâm’’.

Tuy nhiên, do khoai lang Nhật chỉ trồng được một vụ trong năm, kỹ thuật chăm sóc khá khó, hơn nữa chi phí lại khá cao nên nhiều bà con nông dân tại địa phương vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa nước sang cây khoai lang Nhật vào vụ đông xuân mà chủ yếu là cho thuê đất để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

H’Yur Je


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.