Multimedia Đọc Báo in

Ngành Nông nghiệp Đắk Lắk chú trọng tái cơ cấu

08:52, 04/03/2016

Năm 2016 là dấu mốc khởi đầu quan trọng trong chặng đường 5 năm (2016-2020) phát triển tiếp theo của ngành nông nghiệp. Để tạo đà cho ngành kinh tế chủ lực này của tỉnh phát triển, các cấp, ngành đang đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, từng bước nâng cao giá trị.

Từ quy mô nông hộ

Tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình phát triển nông nghiệp gắn với bố trí, sắp xếp lại các chuyên ngành sản xuất theo nguyên tắc sử dụng tối đa lợi thế so sánh, tối ưu các nguồn lực đầu vào để tạo ra hiệu quả kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn ngành. Quá trình phát triển đó gắn với thay đổi quy mô sản xuất của các ngành nhằm tạo ra các nông sản có chất lượng và giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, nâng cao thu nhập cho nông dân và bảo đảm tính bền vững.

Phát triển cà phê theo hướng bền vững tại Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi, huyện Krông Pắc.
Phát triển cà phê theo hướng bền vững tại Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi, huyện Krông Pắc.

Dễ dàng nhận thấy, câu chuyện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời kỳ mới đang là vấn đề trọng tâm hiện nay. Theo đó, tái cơ cấu đang được thực hiện đồng bộ từ quy mô nông hộ tới từng địa phương theo hướng ngày càng hiện đại, phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng. Bà Nguyễn Thị Phúc, xã Hòa Hiệp (Cư Kuin) chia sẻ, gia đình bà có 1 ha đất trồng lúa nhưng bấp bênh về nguồn nước nên bà đã chuyển đổi toàn bộ sang trồng các loại rau. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, năm 2013, bà đã đầu tư hệ thống tưới nước phun mưa tự động cho rau nhờ đó gia đình tiết kiệm được công chăm sóc, hiệu quả kinh tế mang lại cũng cao hơn. Còn với những hộ khó khăn về vốn, đất sản xuất cũng được ngành chức năng địa phương quan tâm, hỗ trợ với các mô hình sản xuất ít chi phí. Trong năm 2015, từ nguồn kinh phí của huyện, Trạm Khuyến nông Cư Kuin đã triển khai nhân rộng mô hình sản xuất nấm ăn cho 10 hộ dân ở buôn Pu Huê, Kniết, xã Ea Ktur. Theo đó, các hộ được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm, làm trại, giàn treo trồng các loại nấm sò, nấm mèo. Đến thời điểm hiện nay, các hộ thực hiện mô hình đang thu hoạch nấm sò và chuẩn bị trồng, chăm sóc nấm mèo. Ông Nguyễn Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết, điều quan trọng nhất trong chương trình tái cơ cấu là bảo đảm nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng giúp bà con chủ động sản xuất thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi cũng được địa phương chú trọng. Từ những mô hình điểm như nuôi gà an toàn sinh học (xã Ea Tiêu); “Chương trình tái canh cà phê năm 2014” hay khảo nghiệm các giống ngô lai (xã Dray Bhăng) đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong cách lựa chọn giống, từng bước nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả tại địa phương.

… đến vùng chuyên canh tập trung

Nông nghiệp đóng góp chủ yếu trong thu nhập và có tính quyết định đến đời sống, sản xuất của phần lớn người dân Đắk Lắk, bởi đa số họ đều sống ở vùng nông thôn và dựa vào nông nghiệp. Nông nghiệp địa phương giai đoạn 2005-2014 tăng trưởng đều với tốc độ 4,94%/năm, đã góp phần phát triển ổn định cho nhiều ngành kinh tế khác và hướng tới sự bền vững của chính ngành nông nghiệp. Thực tế sản xuất thời gian qua cho thấy, các địa phương đã từng bước hình thành nhiều vùng chuyên canh không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong tỉnh về lương thực, thực phẩm mà còn cung cấp ra thị trường các tỉnh bạn, tham gia xuất khẩu. Điển hình như cà phê ở huyện Krông Pắc, Krông Búk, Cư M’gar, Krông Năng, TP. Buôn Ma Thuột; hồ tiêu ở huyện Cư Kuin, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ; lúa gạo ở huyện Ea Súp, Krông Ana, Krông Pắc, Lắk, Ea Kar... Ông Đoàn Doãn Toản, Phó phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc cho biết, nằm trên Quốc lộ 26, địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa nên từ lâu huyện đã định hình các loại cây, con chủ lực như cà phê, sầu riêng, bơ, chăn nuôi bò, heo... Trong đó, đa số các vườn cà phê đều được xen canh cây ăn quả theo hướng bền vững để vừa tiết kiệm nước tưới vừa tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Còn chăn nuôi thì phát triển theo hình thức công nghiệp (heo), bán công nghiệp (bò, gà), đặc biệt là người dân đã biết trồng cỏ để vỗ béo bò nên chỉ sau 3 tháng nuôi, bò đã đạt trọng lượng trên dưới 100 kg.

Nuôi bò tại Công ty TNHH MTV cà phê Ea Pốk, huyện Cư M’gar.
Nuôi bò tại Công ty TNHH MTV cà phê Ea Pốk, huyện Cư M’gar.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện tại Sở đang tiếp tục hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững để làm căn cứ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch sản phẩm cây trồng chủ lực và xây dựng kế hoạch 5 năm tiếp theo (2016–2020). Các điều chỉnh sẽ dựa vào quy hoạch phát triển lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu phù hợp với thực tiễn từng vùng để khai thác các tiềm năng, lợi thế từng địa phương. Trong đó, định hướng cho người dân phát triển sản xuất theo quy hoạch được duyệt và hạn chế việc lập mới các quy hoạch chưa thực sự cần thiết.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc