Quay quắt trong cơn đại hạn
Hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt; hàng ngàn héc ta cây trồng không có nước tưới; hầu hết các hồ, đập, sông, suối đều đã khô trơ đáy…, chưa bao giờ huyện Cư M’gar phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng như năm nay…
“Căng như dây đàn”...
Quyết tâm cứu gần 3 ha tiêu và cà phê, ông Lý Dào Chắn ở làng Mán, thôn Hiệp Đoàn, xã Quảng Hiệp (Cư M’gar) phải chạy vạy vay tiền thuê người khoan giếng tận ngoài rẫy để tìm nước. Ông Chắn cho biết, giếng nước đầu tiên ông khoan cách đây 3 năm, chỉ sâu 80 m là đã có thừa nước sử dụng. Tuy nhiên, chỉ sau một mùa rẫy, giếng này… “đứt” nước. Ông lại cho khoan tiếp đến giếng thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư. “Mới trước Tết đây thôi, tôi cũng đã thuê khoan một giếng sâu đến 130 m nhưng không có lấy được giọt nước nào, đành bỏ. Nay tiếp tục khoan đến giếng nước thứ 5 này, cầu trời gặp đúng mạch nước ngầm, nếu không thì chết chắc” – ông Chắn than thở. Còn ông Bàn Tôn Nhất, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Hiệp Đoàn thì tặc lưỡi: “Chỉ mong sao có đủ nước sinh hoạt cho gia đình trong giai đoạn này là tốt lắm rồi. Ruộng rẫy giờ đành phó mặc cho trời”. Giếng nước trong nhà đã cạn trơ đáy từ lâu, ông Nhất phải kéo ống lấy nước từ một giếng khoan cách nhà 250 m về sinh hoạt. Theo lời ông Nhất, nguồn nước vùng này khi trước dồi dào lắm. Nhà nào cũng đào giếng, sâu lắm cũng chỉ mười mấy mét là thoải mái dùng. Nhưng những năm gần đây mực nước ngầm ngày càng suy kiệt, người dân đổ xô khoan giếng, sâu đến cả trăm mét cũng chưa chắc tìm thấy nước.
Đập thủy lợi Phú Sơn (xã Cư M’gar) hiện đã khô trơ đá. |
Chưa kể đến nước phục vụ cho tưới tiêu cây trồng, riêng nước sinh hoạt ở thôn Hiệp Đoàn thôi, nói như trưởng thôn Hà Duy Đô, thì cũng đã “căng như dây đàn”. Ông Đô thống kê: Thôn có 330 hộ thì đã có trên 200 giếng khoan, nhưng rất ít trong số đó có hoặc còn nước. Tại thời điểm này, đã có khoảng 50% hộ dân trong thôn thiếu nước sinh hoạt. Nhiều người phải mua ống, xin kéo nước từ giếng nhà hàng xóm về dùng. Trong khi đó, nhiều giếng khoan bị nhiễm phèn nên không thể sử dụng được, người dân lại phải mua nước đóng bình với giá 10.000 đồng/bình về nấu ăn, rửa rau… Riêng về nước tưới cho cây trồng, thôn có khoảng trên 700 ha đất canh tác thì đã có khoảng 60% diện tích đó thiếu nước. Khoan giếng tìm nước không được, nhiều người xót vườn cây đã phải “năn nỉ” những hộ may mắn có giếng nước dồi dào xin được trả tiền điện để bơm nước tưới với giá 30.000 đồng/1 tiếng đồng hồ.
Không riêng gì thôn Hiệp Đoàn, nhiều địa phương khác ở Cư M’gar cũng đang lâm vào tình cảnh thiếu nước trầm trọng. Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn Cư M’gar, đến thời điểm này trên địa bàn huyện đã có gần 500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Nhiều nhất là các xã: Ea Kuếh (buôn Xê Đăng 55 hộ, buôn Luk 76 hộ, buôn Wing 40 hộ) và xã Quảng Hiệp (Hiệp Đoàn 160 hộ, Hiệp Thành 100 hộ)…
Thiếu nước trên diện rộng
Huyện Cư M’gar có tổng số 66 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó có 15 đập dâng và 51 hồ chứa. Đến thời điểm này, nhiều hồ chứa, đập dâng đã khô cạn trơ đáy như: Hồ Buôn Jun 1 (xã Ea Kuếh), hồ Ea Nhuôl (xã Ea Drơng), hồ Ea Nhuôl (xã Cư Dliê Mnông), đập dâng Ea Mdróh (xã Ea Mdróh), các đập dâng Đầm Bò, Đầm Cao, Phú Sơn, buôn Huk (xã Cư M’gar)… Một số con suối lớn như suối Ea Tul, suối Ea Niêu, suối Ea Mdróh, suối Ea H’ding, suối Ea Kpam, suối Ea Drơng… cũng đã khô cạn nước.
Người dân huyện Cư M’gar đổ xô khoan giếng tìm nước chống hạn. (Trong ảnh: Gia đình ông Lý Dào Chắn đang cho khoan đến giếng thứ 5 trong vòng 3 năm qua). |
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, khô hạn đã khiến 160 ha lúa nước và hàng ngàn héc-ta cà phê, hồ tiêu trên địa bàn thiếu nước tưới.Để chủ động trong công tác phòng chống hạn, khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra, đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu, ngay từ đầu mùa khô năm nay, UBND huyện Cư M’gar đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các công ty thủy lợi, công ty cà phê trên địa bàn phát dọn, nạo vét kênh mương, điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, ưu tiên nước tưới cho diện tích cây trồng đang cần nước.
“Trước tình hình khô hạn như hiện nay, huyện Cư M’gar đã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng phương án phòng chống hạn cụ thể để lập kế hoạch chi tiết triển khai ứng phó. Trước mắt, huyện Cư M’gar đã chủ động trích khoảng 500 triệu đồng từ ngân sách dự phòng để đầu tư khoan 5 giếng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.” – ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện cho biết.
Theo nhận định của ông Mười, trong vòng 15 ngày tới, nếu trên địa bàn huyện không có mưa thì Cư M’gar sẽ có khoảng trên 30% diện tích cà phê thiếu nước tưới (khoảng 10.000 ha). “Trong khi các hồ đập, sông suối không còn nước để phục vụ tưới tiêu cây trồng thì người nông dân buộc phải tìm nguồn nước ngầm bằng cách khoan giếng. Thực tế này đang xảy ra, và huyện Cư M’gar hiện không thể kiểm soát được việc khoan giếng của người dân” – ông Mười nói.
Đề nghị hỗ trợ trên 25 tỷ đồng chống hạn Trước tình hình diễn biến phức tạp cũng như hậu quả nặng nề do hạn hán gây ra, huyện Cư M’gar đã đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan hỗ trợ nguồn kinh phí 25.240.000.000 đồng để hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nạo vét kênh mương thủy lợi; hỗ trợ dầu tưới chống hạn cho cây lúa và xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt. “Trong khi các hồ đập, sông suối không còn nước để phục vụ tưới tiêu cây trồng thì người nông dân buộc phải tìm nguồn nước ngầm bằng cách khoan giếng. Thực tế này đang xảy ra, và huyện Cư M’gar hiện không thể kiểm soát được việc khoan giếng của người dân” Ông Phạm Quang Mười |
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc