Multimedia Đọc Báo in

Tăng hiệu quả sản xuất nhờ chuyển đổi sang các giống mía mới

10:37, 22/03/2016
Năm nay, mặc dù năng suất cây mía giảm do ảnh hưởng nắng hạn kéo dài nhưng giá mía cao hơn đã làm không khí mùa thu hoạch mía tại huyện M’Đrắk thêm nhộn nhịp, phấn khởi. Đặc biệt, một tín hiệu vui là các ruộng mía trồng giống mới có năng suất cao hơn hẳn, đây là động lực khuyến khích nông dân trồng mía đưa vào trồng các giống mới năng suất, chất lượng cao, khả năng chịu hạn tốt, từng bước tăng hiệu quả sản xuất.

Gia đình anh Hà Văn Quang (ở thôn 1, xã Ea Pil) có 2,7 ha đất trồng mía. Trước đây, anh trồng các giống mía không có khả năng chịu hạn nên cứ gặp nắng nóng kéo dài là mất mùa. Từ niên vụ mía 2014 - 2015 đến nay, anh Quang quyết định chuyển đổi sang trồng giống mía K95-82, năng suất vụ đầu tiên đạt được cao hơn với tổng sản lượng 280 tấn, mang lại thu nhập 120 triệu đồng. Năm nay, bước vào vụ thu hoạch thứ 2, mặc dù chịu hạn nặng và chưa xong vụ thu hoạch nhưng năng suất ruộng mía tiếp tục giữ vững ổn định. Anh Quang cho biết, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên các giống mía cũ trước đây không còn phù hợp với điều kiện thời tiết địa phương, mấy năm liên tiếp gia đình anh đã lỗ nặng do sử dụng giống cũ. Gần đây nhờ mạnh dạn phá bỏ, chuyển đổi sang trồng giống mới nên vườn mía  đã tăng hiệu quả sản xuất, cho thu nhập cao hơn.

Để đánh giá, thử nghiệm năng suất các giống mía trong cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, gia đình anh Phạm Văn Bình (ở thôn 10, xã Ea Pil) đã tiến hành trồng nhiều giống mía trong cùng một vụ. Trên diện tích 5 ha đất trồng mía, anh Bình trồng các giống MG (vụ 4), ROC 22 (vụ 3), K88 và K95-156 (vụ 1)… Nhờ trồng thêm các giống mía mới có khả năng chịu hạn tốt nên tổng sản lượng thu hoạch năm nay của gia đình anh đạt 520 tấn, tăng trên 40 tấn so với năm ngoái, cùng với giá mía cao hơn khiến niềm vui mùa thu hoạch của gia đình anh Bình cũng nhân lên gấp bội.

Hiện nay, toàn huyện M’Đrắk có 11/13 xã và thị trấn trồng gần 6.100 ha mía; trong đó, nhiều nhất là xã Ea Pil trồng 3.100 ha, xã Cư Prao 1.400 ha, xã Krông Jing 600 ha... với hàng nghìn hộ dân ký hợp đồng đầu tư và mua bán mía nguyên liệu cho các công ty: Cổ phần Mía đường 333, Mía đường Ninh Hòa, Mía đường Cam Ranh (Khánh Hòa). Năm nay, đến thời điểm này, bà con nông dân đã thu hoạch được gần 2.000 ha trong tổng số diện tích được thu hoạch 6.090 ha, đạt 31,5%; năng suất dự kiến 71 tấn/ha, sản lượng 423.390 tấn, giá bán giao động từ 860 - 940 đồng/kg.

Thực tế cho thấy, qua mỗi mùa thu hoạch, người dân lại tái sử dụng phần ngọn hoặc gốc mía của chính ruộng mía đó để trồng cho vụ sau, dẫn đến nhiều ruộng trồng giống mía cũ đã bị thoái hóa giảm năng suất, chất lượng, dễ phát sinh sâu bệnh làm ảnh hưởng đến thu nhập. Vì vậy, việc chuyển giao giống mía mới cho nông dân được xem là công việc cần thiết, nhằm giúp bà con tiếp cận và sử dụng giống phù hợp với từng vùng sản xuất. Hiện nay, các giống mía được bà con đánh giá cao về khả năng chịu hạn tốt, năng suất, chất lượng như K88–65, K88–92, K 833, K95-84, Suphanburi 7, U thong 3, U thong 4… đều cho năng suất cao, trữ lượng đường bình quân đạt 11,2 CCS, một số giống mía từ 13 tháng tuổi có trữ đường cao 12 – 12,5 CCS, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương...

Để chuẩn bị cho vụ sản xuất 2015-2016, ngoài các giống mía năng suất và trữ lượng đường cao đã được bà con trồng nhiều, các ngành chức năng khuyến cáo người trồng mía cần thay đổi tập quán thích trồng giống mía sinh trưởng mạnh cây to, dễ bóc lá để tập trung cho các giống có trữ đường cao, khả năng chịu hạn; đồng thời, bố trí thời vụ, bón phân đúng liều lượng, đúng kỹ thuật, thu hoạch phải đúng thời điểm, cơ cấu giống hợp lý để tránh tình trạng đầu vụ và giữa vụ nhà máy thiếu mía ép và cuối vụ thì thừa, thất thoát về năng suất và trữ đường lớn.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.