Multimedia Đọc Báo in

Thủy điện khát khô!

11:22, 21/03/2016

Đắk Lắk đang trong thời kỳ cao điểm mùa khô, tình trạng thiếu nước khiến nhiều nhà máy thủy điện (NMTĐ) trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh lao đao. Nhiều nhà máy (NM) phải ngừng hoạt động hoặc giảm thời gian, công suất phát điện và tập trung cho việc xả nước chống hạn.

Theo đánh giá của Sở Công thương, do nắng nóng kéo dài, lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm mạnh, gây khó khăn cho vận hành phát điện của các nhà máy. Đến nay, có 3 hồ đã ở dưới mực nước chết, các tổ máy phải ngừng hoạt động, gồm Ea Súp 3, Ea Đrăng 2 và Ea Tul 4. Các NMTĐ nhỏ trên lưu vực các suối: Krông Kmar, Ea Kar, Ea M’doal 2, Ea M’doal 3 và Ea H’leo thời gian và công suất chạy máy rất thấp. Các công trình có công suất lớn trên lưu vực sông Sêrêpôk mực nước ở hồ thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT), lưu lượng nước xả về hạ du rất hạn chế, công suất chạy máy chỉ đạt 50%. Cụ thể, tại NMTĐ Buôn Tua Srah, đến đầu tháng 3-2016, lưu lượng nước về hồ trung bình ngày chỉ đạt 13,75 m3/s, mực nước ở mức 481,2m, thấp hơn MNDBT 6,3m, công suất vận hành chỉ đạt 43/86 MW; đối với NMTĐ Buôn Kuốp, lưu lượng nước về hồ 50 m3/s, mực nước thấp hơn MNDBT 1,5m, công suất 140/280 MW; NMTĐ Sêrêpôk 3, lượng nước về hồ 72 m3/s, mực nước thấp hơn MNDBT 1,5m, công suất 103/220 MW. Trong khi đó, các công trình không có hồ chứa hoặc hồ chứa dung tích nhỏ như Hòa Phú, Đray H’linh, Đray H’linh 1, Đray H’linh 3 và Sêrêpôk 4A, hoạt động phụ thuộc vào việc vận hành điều tiết của các nhà máy ở đầu nguồn nên thời gian chạy máy chỉ đạt 3 – 11 giờ/ngày, công suất thực tế cũng rất thấp so với thiết kế. Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 NMTĐ với tổng công suất 957 MW, trong đó, trên lưu vực sông Sêrêpôk có 12 nhà máy thủy điện, công suất 841MW. Đến thời điểm này, công suất hoạt động của các NMTĐ trên sông Sêrêpôk chỉ đạt khoảng 50% so với thiết kế nhờ có hồ Buôn Tua Srah điều tiết, các NMTĐ tại Krông Bông, M’Đrắk đạt khoảng 30 – 40%, trong khi đó, các công trình ở Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Súp thì đang “ngắc ngoải”, thậm chí ngừng hoạt động. Theo số liệu của Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, sản lượng điện sản xuất của các NMTĐ chỉ đạt 120 triệu kWh, chưa được 40% so với dự kiến.

Phía sau cửa xả thủy điện Buôn Kuốp khô kiệt.
Phía sau cửa xả thủy điện Buôn Kuốp khô kiệt.

Bên cạnh nhiệm vụ phát điện, các NMTĐ cũng quan tâm đến việc điều tiết nước cho công tác chống hạn. Đối với các NMTĐ đã ngừng vận hành, toàn bộ lưu lượng nước ở hồ được dành cho việc tưới tiêu của người dân. Đặc biệt, đối với hồ đầu nguồn Buôn Tua Srah - hồ lớn nhất trên bậc thang sông Sêrêpôk, với dung tích hơn 522 triệu m3, là hồ duy nhất trên bậc thang có chế độ điều tiết năm phải thực hiện việc “chia nước”. Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp - đơn vị vận hành hồ này cho biết, vào các tháng mùa kiệt, lưu lượng dòng chảy tự nhiên trên sông chỉ đạt từ 15 - 20 m3/s. Tuy nhiên, do được tích nước vào những tháng mùa lũ, nên hồ có khả năng cung cấp về hạ du lưu lượng nước trung bình khoảng 50 m3/s, phục vụ sản xuất cho người dân các huyện Lắk, Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) và Krông Nô (tỉnh Đắk Nông). Theo đó, trước mùa khô, công ty phối hợp với các địa phương liên quan để xác định nhu cầu sử dụng nước phục vụ nông nghiệp để xây dựng kế hoạch khai thác hồ chứa một cách hợp lý; đồng thời, lắp đặt hệ thống cảnh báo ở hạ lưu hồ để thông báo thời gian, lưu lượng xả nước, giúp người dân chủ động trong việc bơm tưới. Bên cạnh đó, các phụ lưu về hồ Buôn Kuốp và Sêrêpôk 3 rất thấp, không thể hoạt động theo Quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt, nên từ ngày 7-3, các NM do công ty quản lý gồm thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Sêrêpôk 3 đã được tách khỏi thị trường điện nhằm ưu tiên nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vùng hạ du trong mùa khô 2016.

Ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, các NMTĐ trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn vì vừa cố gắng duy trì chạy máy phát điện và vừa phải ưu tiên xả nước phục vụ tưới tiêu cho vùng hạ du, góp phần tích cực vào công tác chống hạn tại địa phương. Sở sẽ điều phối việc vận hành các hồ thủy điện, đến cuối mùa khô và yêu cầu các chủ hồ tuân thủ quy trình điều tiết liên hồ và không được phát điện khi chưa được phép.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.