Cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa cao điểm
Theo thông tin cảnh báo cháy rừng từ Cục Kiểm lâm, Đắk Lắk là một trong 17 tỉnh, thành trong cả nước có nguy cơ cháy rừng cấp V – cấp cực kỳ nguy hiểm. Trước tình hình thời tiết rất khô hanh, nắng hạn kéo dài, các địa phương thuộc vùng trọng điểm cháy rừng của tỉnh đang tất bật, tập trung cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Kiểm tra công tác PCCCR trên diện tích rừng trồng của Công ty TNHH Tín Phát (Krông Năng). |
Tại huyện Lắk, trong tổng diện tích 83.556,2 ha rừng ở đây có 11.600 ha thuộc diện tích trọng điểm dễ cháy, chủ yếu tập trung tại thị trấn Liên Sơn, xã Yang Tao, Bông Krang, Đắk Nuê, Đắk Phơi, Buôn Tría, Buôn Triết, Krông Nô, Nam Ka, Ea R’bin. Theo Hạt Kiểm lâm Lắk, những năm qua mặc dù địa phương đã chỉ đạo sâu sát trong việc tuần tra, canh gác rừng, nhưng do tình hình thời tiết những năm gần đây diễn biến phức tạp, nắng hạn, hanh khô kéo dài nên đã để xảy ra 14 vụ cháy trên diện tích 70,5 ha. Trong đó, có 1 vụ cháy nằm trên địa giới hành chính xã Đắk Phơi làm thiệt hại khoảng 20 ha rừng tự nhiên, hiện trạng rừng nghèo thường xanh; 8 vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần lâm nghiệp Trường Thành thiệt hại 30 ha rừng keo lai, 5 vụ tại Công ty Cổ phần Agrilăk thiệt hại 3 ha rừng keo và 17,5 ha ca cao. Nguyên nhân là do các đơn vị chưa đầu tư đúng mức cho các công trình PCCCR, chưa xử lý vật liệu cháy một cách triệt để, không làm đường băng cản lửa hoặc có làm nhưng không bảo đảm kỹ thuật; không thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra phòng cháy trong thời gian cao điểm của mùa khô hanh. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng xảy ra trong mùa khô 2015-2016, UBND huyện đã triển khai nhiều biện pháp như tập trung cho công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, buôn để vận động người dân không sử dụng lửa trong rừng, nhất là các hộ nhận rừng, quản lý rừng cộng đồng; ký cam kết PCCCR với các hộ gia đình sống gần rừng và các đơn vị đóng trên địa bàn, tu sửa bảng biển hiện có, thay những nội dung tuyên truyền PCCCR đã cũ. Củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo, lực lượng nòng cốt cũng như các tổ đội quần chúng PCCCR; tăng cường công tác tuần tra canh gác lửa rừng 24/24 vào những thời điểm cảnh báo cháy rừng từ cấp III trở lên, thành lập các chốt trực PCCCR ở các khu vực trọng điểm các xã: Bông Krang, Đắk Phơi, Đắk Nuê, Krông Nô…
Kiểm tra, xác định vị trí các công trình PCCCR trên bản đồ tại diện tích rừng trồng của Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành. |
Là một trong những địa phương thuộc vùng trọng điểm cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô, huyện Krông Năng đã triển khai xây dựng phương án PCCCR để các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Theo Hạt Kiểm lâm huyện, giai đoạn 2012-2015, toàn huyện đã xảy ra 15 vụ cháy rừng, tổng diện tích thiệt hại 112,5 ha, bình quân 4 vụ cháy/năm. Qua đó cho thấy những bất cập như lực lượng kiểm lâm được giao nhiệm vụ là nòng cốt nhưng mỏng về quân số, lại phân tán, chưa có lực lượng chữa cháy rừng chủ lực, chuyên ngành để ứng phó kịp thời; phương tiện, trang thiết bị về PCCCR, thông tin liên lạc chưa đáp ứng yêu cầu nên khi cháy rừng xảy ra, mặc dù huy động nhiều người nhưng hiệu quả lại thấp; kinh phí PCCCR của các đơn vị chủ rừng và người dân (tự đầu tư trồng rừng) còn hạn chế… Trong năm 2015, huyện đã kiện toàn 4 ban chỉ đạo PCCCR ở xã, xây dựng 4 biển dự báo cháy rừng, kiện toàn 16 tổ xung kích với 159 thành viên. Để giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng lên kế hoạch tổ chức tuần tra, trực 24/24 giờ vào những tháng cao điểm, lắp đặt các biển báo cấm lửa phân bố trên toàn bộ diện tích rừng trồng; các đơn vị, chủ rừng trang bị bơm nước, máy cắt cỏ, vỉ dập, cuốc, dao phát... để chủ động dập lửa kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Huyện Ea H’leo cũng là một trong những địa bàn đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm, với tổng diện tích rừng gần 40.000 ha, trong đó có khoảng 20.000 ha rừng trọng điểm dễ cháy, tập trung ở các xã Ea H’leo, Cư Mốt, Ea Sol, Ea Wy, Ea Khăl. Từ đầu mùa khô 2015-2016, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm tra các đơn vị, chủ rừng là công ty lâm nghiệp, nông trường, DN thuê đất trồng cao su… về thực hiện phương án PCCCR. Hạt Kiểm lâm Ea H’leo cũng đã tiến hành phân vùng để dễ dàng huy động lực lượng tham gia PCCCR, gồm 5 cụm xã: Ea Nam - Ea Khăl - Ea Tir, Ea Wy - Cư A Mung – Cư Mốt – Ea Ral, Ea Sol – Ea Hiao, Dliê Yang - Ea H’leo. Bên cạnh việc củng cố, xây dựng thêm các tổ đội quần chúng nhân dân bảo vệ, PCCCR ở 140 thôn, buôn gần rừng với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, ban quản lý rừng cộng đồng, Hạt cũng phối hợp với UBND cấp xã cùng các chủ rừng hướng dẫn người dân thực hiện đốt nương, rẫy đúng quy trình, kỹ thuật, trước khi đốt phải làm đường băng cản lửa để ngăn chặn tình trạng cháy lan vào rừng; kiểm tra chặt chẽ các đối tượng, phương tiện vào rừng săn bắt, đốt ong lấy mật trái phép.
Về phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc và chủ rừng tăng cường các biện pháp PCCCR; các đội kiểm lâm cơ động và PCCCR đã chủ động phối hợp với Hạt kiểm lâm các địa phương tổ chức tuyên truyền và kiểm tra công tác PCCCR của chủ rừng tại địa bàn phụ trách, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh đối với những chủ rừng chưa thực hiện nghiêm túc phương án PCCCR, đồng thời động viên, tuyên dương những chủ rừng thực hiện tốt kế hoạch phòng chống cháy và quản lý bảo vệ rừng.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc